Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong cuộc họp về các vấn đề thời sự ngày 9-10-2020, Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko cho biết trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành, sẽ diễn ra việc chuyển giao dần một số quyền hạn của tổng thống cho chính phủ và các thống đốc.
Ông nhấn mạnh đối với việc chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp, quy trình này càng gần với người dân càng tốt. Để làm được điều này, các nền tảng đối thoại đang được thiết lập tại các khu vực.
Tổng thống Lukashenko nêu rõ cơ chế đối thoại sẽ giúp cho chính quyền các địa phương nắm bắt được nguyện vọng của người dân, cũng như các đề xuất, sáng kiến liên quan tới sửa đổi Hiến pháp.
Các ý kiến sau đó được đưa ra xem xét tại Hội nghị Nhân dân toàn Belarus. Ông yêu cầu cần thành lập một ủy ban tổ chức và tổ chức bầu đại biểu tham dự Hội nghị Nhân dân toàn Belarus.
Tổng thống Lukashenko đồng thời nhấn mạnh chỉ có sự ổn định nội bộ mới bảo đảm sự tồn vong của Belarus.
Việc lấy ý kiến người dân về sửa đổi Hiến pháp đã bắt đầu ở Belarus và người dân có thể gửi đề xuất của mình tới Hạ viện trước ngày 25-10 hoặc gửi trực tiếp tới nghị sĩ khu vực bầu cử của mình.
Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng thống Lukashenko cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về một bản hiến pháp mới. Ông lưu ý các chuyên gia đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Hiến pháp mới sẽ được đưa ra thảo luận rộng rãi, sau đó một cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức.
Liên quan tới quan hệ giữa Belarus và các nước châu Âu, trong một diễn biến mới nhất ngày 9-10, Ba Lan và Litva dã triệu hồi 35 nhà ngoại giao từ Belarus, cho thấy bất đồng ngoại giao ngày càng gia tăng liên quan tới việc những nước này ủng hộ phong trào biểu tình tại Belarus.
Cùng với một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, Ba Lan đã triệu hồi đại sứ và động thái rút về thêm nhiều nhân viên được đưa ra sau yêu cầu của giới chức Belarus. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz, nước này sẽ rút 30 nhân viên ngoại giao.
Giống như Ba Lan, Litva là một thành viên EU giáp biên giới với Belarus, đã tuyên bố triệu hồi 5 nhà ngoại giao.
Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8. Tổng thống Lukashenko đã tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Nữ chính khách này đã không công nhận kết quả bầu cử. Sau đó nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại nhiều thành phố đã biến thành xô xát với cảnh sát.
Hôm 23-9 vừa qua, Tổng thống Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới, tuy nhiên EU từ chối công nhận ông là tổng thống hợp pháp của Belarus.
Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus, theo đó sẽ mở đường cho các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với khoảng 40 thành viên thuộc chính quyền của Tổng thống Lukashenko.
Bản thân ông không nằm trong danh sách này. Đáp lại, Chính phủ Belarus cho biết sẽ ban bố các biện pháp trừng phạt trả đũa nhằm vào EU, đồng thời cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu EU mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+