Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 11-11-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Người đứng đầu Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.
Tổng thống Biden cảnh báo khủng hoảng khí hậu đang đe dọa "sự sống còn của hành tinh", hối thúc các nước làm nhiều hơn để giảm phát thải carbon". Ông Biden nhấn mạnh Mỹ đang đi đúng hướng để cắt giảm lượng khí thải carbon, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường nỗ lực để ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất.
Theo đó, ông khẳng định Mỹ sẽ đạt được mục tiêu cắt giảm 50-52% lượng khí thải vào năm 2030. Ông cũng đề cập đến gói chi tiêu 369 tỷ USD trong khuôn khổ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà đã được Quốc hội Mỹ thông qua và ông ký ban hành để "xanh hóa" nền kinh tế Mỹ. Ông nhấn mạnh khủng hoảng khí hậu liên quan đến an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh quốc gia và chính sự sống của hành tinh này.
Tổng thống Biden cũng lưu ý đến "nghĩa vụ và trách nhiệm của lãnh đạo toàn cầu". Ông kêu gọi: "Các quốc gia có khả năng nên hỗ trợ những nước đang phát triển để họ có thể đưa ra quyết định về khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi năng lượng của họ, xây dựng con đường đi đến thịnh vượng phù hợp với khí hậu của chúng ta"
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thông báo về kế hoạch tăng cường nỗ lực cắt giảm phát thải khí methane - một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông Biden cho rằng "để bẻ cong vĩnh viễn đường cong khí thải, mọi quốc gia cần đẩy mạnh hành động. Tại cuộc họp này, chúng ta phải đổi mới và nâng cao tham vọng về khí hậu của mình".
Chính quyền của Tổng thống Biden đã giành được chiến thắng lớn ở trong nước về vấn đề biến đổi khí hậu trong mùa Hè vừa qua, khi Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật về thuế, y tế và khí hậu, trong đó có khoản chi tiêu kỷ lục 369 tỷ USD cho các chính sách khí hậu và năng lượng.
Mỹ hiện là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất và các nhà chỉ trích cho rằng đạo luật trên không tự mang lại mức giảm phát thải cần thiết để đạt được mục tiêu 50%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đạo luật này thực sự đưa nước Mỹ bước vào lộ trình tốt hơn nếu được kết hợp với các hành động của chính quyền cũng như địa phương.
Nguồn: TTXVN