Binh sĩ Pháp tham gia chiến dịch Barkhane tuần tra quanh căn cứ quân sự gần Ouallam, Niger, ngày 15-7-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, ông Maroc nêu rõ: “Nếu định bố trí lại lực lượng…, tôi sẽ chỉ thực hiện việc này theo đề nghị của Tổng thống Bazoum”.
Ngày 31-8-2023 vừa qua, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố những người liên quan đến cuộc đảo chính quân sự mới đây ở Niger "không có thẩm quyền" yêu cầu Đại sứ Pháp tại Niamey phải rời khỏi quốc gia Tây Phi này.
Trước đó, chính quyền quân sự ở Niger tuyên bố Đại sứ Pháp tại Niger Sylvain Itte không còn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và cảnh sát đã được chỉ thị trục xuất ông này.
Hội đồng Quân sự Niger cũng đã đình chỉ thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Pháp tại quốc gia Tây Phi này.
Cuối tháng Bảy vừa qua, một nhóm sỹ quan thuộc Lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Bazoum. Lực lượng đảo chính đã thành lập Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc, đứng đầu là Tướng Abdurahmane Tchiani, để điều hành đất nước.
Sau cuộc đảo chính, Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt trừng phạt Niger và đang xem xét các phương án nhằm "khôi phục trật tự Hiến pháp" ở nước này, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự, song vẫn cam kết tìm giải pháp ngoại giao.
Pháp hiện vẫn duy trì 1.500 binh sĩ ở Niger, bất chấp sức ép từ chính quyền quân sự tại nước này yêu cầu Pháp rút quân trong vòng 1 tháng.
Cùng ngày 10-9-2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đứng đầu chính quyền quân sự ở Mali Assimi Goita, trong đó hai bên nhất trí cho rằng chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger thông qua các biện pháp ngoại giao.
Nguồn: Vietnam+