Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Liên bang Nga có một “cỗ máy chiến tranh lớn” còn ông đang cứu Ukraine, quốc gia có thể sẽ “bị nghiền nát trong thời gian ngắn”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Kênh RT của Liên bang Nga chiều 29-4, theo giờ địa phương, cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đang “cứu” Ukraine bằng cách cố gắng làm trung gian giữa Moskva (Moscow) và Kiev, đồng thời cảnh báo Ukraine có thể phải đối mặt với một thất bại lớn trong tương lai gần nếu không ngồi vào bàn đàm phán với Liên bang Nga.
Theo RT, Tổng thống Trump đã đưa ra bình luận nêu trên trong một cuộc phỏng vấn với The Atlantic được công bố hôm thứ Hai (28-4).
Khi được hỏi liệu ông có cảm thông với Kiev không, Tổng thống Trump trả lời rằng chính sách của ông nhằm “cứu lấy” Ukraine và cảnh báo rằng cuộc xung đột kéo dài sẽ không mang lại điều tốt đẹp nào cho quốc gia này.
“Tôi nghĩ tôi đang cứu lấy quốc gia đó. Tôi nghĩ quốc gia đó sẽ bị nghiền nát trong thời gian rất ngắn,” ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Liên bang Nga có một “cỗ máy chiến tranh lớn. Hãy thừa nhận điều đó”.
Cũng trong ngày 28-4, “Phó tướng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc kỳ vọng Liên bang Nga sẽ sụp đổ là một “ý tưởng kỳ lạ”.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên podcast của nhà tổ chức bảo thủ Charlie Kirk vào thứ Hai (28-4), ông Vance nhấn mạnh: “Nếu điều này không chấm dứt, người Ukraine sẽ không thắng trong cuộc chiến”.
“Tôi nghĩ có một ý tưởng kỳ lạ trong giới truyền thông chính thống rằng nếu chuyện này cứ kéo dài thêm vài năm nữa, người Nga sẽ sụp đổ, người Ukraine sẽ giành lại lãnh thổ của họ, và mọi thứ sẽ trở lại như trước chiến tranh. Đó không phải là thực tế mà chúng ta đang sống”, Phó Tổng thống Mỹ nói.
“Bạn có thể sẽ chứng kiến thêm hàng triệu người thiệt mạng nếu chuyện này còn tiếp diễn thêm vài năm nữa, và nó có thể làm gia tăng nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Nó cần phải chấm dứt”, ông Vance nhấn mạnh.
“Phó tướng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết, bất chấp những khó khăn khi đàm phán với cả hai bên, các nhà đàm phán Mỹ vẫn đang “đạt được tiến triển”.
“Đôi khi bạn sẽ vô cùng thất vọng với phía Ukraine. Đôi khi bạn cũng sẽ vô cùng thất vọng với phía Nga”, ông Vance nói rồi bày tỏ: “Và đôi khi bạn chỉ muốn buông xuôi tất cả, nhưng đó là điều mà Tổng thống Trump không cho phép chúng tôi làm”.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (phải) và Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergei Lavrov tại cuộc gặp ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: IBTimes/TTXVN
Theo RT, Mỹ ngày càng thất vọng trước tốc độ đàm phán chậm chạp giữa Washington, Moskva và Kiev. Vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ rút khỏi tiến trình đàm phán nếu mọi thứ tiếp tục bế tắc.
Báo The Kyiv Independent ngày 29-4 cho biết cho biết thêm Mỹ đã tăng cường nỗ lực nhằm làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Liên bang Nga.
Ngày 27-4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố tuần tới sẽ mang tính quyết định trong việc xác định liệu Mỹ có tiếp tục tham gia các nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine hay không, trong bối cảnh có những đe dọa rằng Washington có thể từ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình.
“Ngay sau chuyến thăm Moskva của Đặc phái viên Steve Witkoff vào ngày 25-4, Ngoại trưởng (Rubio) đã nhấn mạnh với người đồng cấp Liên bang Nga các bước tiếp theo trong đàm phán hòa bình Nga-Ukraine và sự cần thiết phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết.
Ông Rubio đã trao đổi với ông Lavrov vào ngày 27-4 theo yêu cầu của phía Liên bang Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng “Mỹ rất nghiêm túc trong việc thúc đẩy chấm dứt cuộc chiến phi lý này”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vatican bên lề lễ tang Giáo hoàng Francis vào ngày 26-4 trong bối cảnh nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn vẫn đang tiếp tục.
Sau đó một hôm, vào ngày 27-4, Trump tuyên bố: “Tôi muốn (ông Putin) ngừng bắn, ngồi xuống và ký thỏa thuận… Chúng tôi đã có những giới hạn cơ bản của một thỏa thuận, theo tôi tin tưởng, và tôi muốn ông ấy ký nó và kết thúc mọi chuyện”.