Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong cuộc họp báo tại khu vực trại tạm của người tị nạn ở ngoại ô Kabul, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu với báo giới ngày 19-8-2021, Tổng Thư ký Guterres cho biết ông đã thảo luận vấn đề này với các nước ủy viên Hội đồng Bảo an trong cuộc họp kín ngày 16-8-2021 vừa qua nhằm kêu gọi Hội đồng Bảo an cần duy trì sự đoàn kết.
Ông Guterres bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Taliban khi biết rõ sẽ đối thoại với ai và với mục đích gì. Hiện các quan chức của Liên hợp quốc tại thủ đô Kabul của Afghanistan đang duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với Taliban.
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là cộng đồng quốc tế cần đoàn kết để các nước ủy viên Hội đồng Bảo an cũng đoàn kết, tận dụng "lực đẩy duy nhất" hiện nay đó là mong muốn của Taliban được cộng đồng quốc tế công nhận.
Việc hình thành một mặt trận thống nhất có thể thúc đẩy Taliban thành lập một chính phủ mang tính bao trùm, tôn trọng nhân quyền, duy trì việc sơ tán cũng như tránh để Afghanistan trở thành "nơi trú ẩn an toàn" của khủng bố.
Cùng ngày, Viện Nghiên cứu chiến lược Afghanistan đề nghị Liên hợp quốc thay đổi cách tiếp cận thông thường nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Afghanistan, đồng thời cho rằng thủ đô Kabul cần được lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bảo vệ.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Bảo an, ông Davood Moradian, Giám đốc viện trên, cho rằng cần tuyên bố ngay lập tức Afghanistan đang trong tình trạng khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp, căn cứ theo Chương 7, Hiến chương Liên hợp quốc.
Điều này có nghĩa có thể ra tuyên bố đồng thời về việc Kabul cần được lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới bảo vệ.
Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid (trái) tại cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan, ngày 17-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thời tiết khắc nghiệt và đại dịch COVID-19 khiến tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan hiện nay thêm trầm trọng.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính hiện có khoảng 12,2 triệu người dân nước này không được đảm bảo an ninh lương thực.
Số người bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng tăng 16%, tương đương 900.000 người và trong khi số trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính ở mức vừa tăng 11%, lên 3,1 triệu trẻ.
Do đó, cũng trong ngày 19-8-2021, các cơ quan cứu trợ quốc tế và của Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính để giải quyết vấn đề nhân đạo ở Afghanistan. Ước tính hiện cần ít nhất 800 triệu USD cho công tác này.
Trong khi đó, các ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong việc ứng phó khủng hoảng tại Afghanistan.
Theo phóng viên TTXVN tại London, tuyên bố, do Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đưa ra ngày 19/8 sau hội nghị ngoại trưởng G7 trực tuyến, nêu rõ "các ngoại trưởng G7 kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay trong sứ mệnh chung nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tại Afghanistan trầm trọng hơn."
Tuyên bố nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại Afghanistan đòi hỏi một phản ứng quốc tế, trong đó có những cam kết sâu rộng về những vấn đề mà Afghanistan và khu vực đang đối mặt.
Tuyên bố cũng hối thúc lực lượng Taliban bảo vệ dân thường, đảm bảo việc sơ tán an toàn công dân nước ngoài và người Afghanistan có nguyện vọng rời đi cũng như đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không trở thành "nơi trú ẩn" của khủng bố.
Các ngoại trưởng G7 cam kết hợp tác với các đối tác nhằm đảm bảo việc "dàn xếp chính trị bao trùm" để có thể hỗ trợ nhân đạo và ngăn ngừa thiệt hại thêm về người ở Afghanistan.
Nguồn: Vietnam+