Trả nợ vay phải tuân thủ theo quy định của pháp luật

16/01/2017 - 07:25

Bà T.T.Vân (Giồng Trôm) yêu cầu tư vấn vụ việc như sau: Tháng 6-2015, bà Vân có vay của bà L.T.Hồng số tiền 300 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng, thời hạn vay 6 tháng. Bà Hồng đồng ý cho bà Vân vay với điều kiện là bà Vân phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất do bà Vân đứng tên tại thị trấn Giồng Trôm, trị giá 300 triệu đồng (có công chứng) để bảo đảm nghĩa vụ trả số tiền vay trên. Hợp đồng này chỉ có bà Vân ký tên, chồng bà Vân không biết giao dịch này.

Sau đó, bà Hồng tự ý làm thủ tục sang tên thửa đất trên và được UBND huyện Giồng Trôm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Bà Hồng buộc bà Vân phải giao đất nhưng bà Vân không đồng ý giao đất. Bà Vân cho rằng mình không bán đất mà chỉ ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ để nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ vay theo yêu cầu của bà Hồng.

Theo bà Vân, lúc bà làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thì có người khác biết việc này. Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất nêu trên có hiệu lực pháp luật không? Để đòi lại thửa đất, bà Vân phải làm gì? 

Luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

Theo nội dung vụ việc, cho thấy bản chất của giao dịch này là quan hệ vay tiền ban đầu trở thành quan hệ chuyển nhượng QSDĐ. Điều này đã làm nảy sinh tranh chấp và vụ việc trở nên phức tạp.

Căn cứ Khoản 1, Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nếu QSDĐ của bà Vân có được trong thời kỳ hôn nhân, mặc dù trên giấy tờ chỉ đứng tên bà Vân và không có văn bản nào thể hiện đó là tài sản riêng của bà, thì về nguyên tắc đây được xem như là tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp này chỉ có bà Vân làm hợp đồng chuyển nhượng thì không hợp pháp, do chưa có sự đồng ý của chồng bà.

Mặt khác, theo quy định tại điểm g, Khoản 1, Điều 179 Luật Đất đai năm 2013: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có quyền thế chấp QSDĐ tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật”, cho thấy pháp luật đất đai không quy định việc bảo đảm giao dịch vay tiền bằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Do vậy, việc bà Hồng buộc bà Vân phải làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ để bảo đảm việc trả nợ vay là không đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ các quy định nêu trên và nếu bà Vân có đủ chứng cứ chứng minh việc ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ chỉ là nhằm để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay cho bà Hồng thì vợ chồng bà Vân có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vô hiệu. Đồng thời, bà Vân có quyền yêu cầu tòa án tuyên hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho bà Hồng theo quy định của pháp luật. 

H.Đức (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN