Ông Nguyễn Văn Dũng (Châu Thành) có thắc mắc: Tôi và ông A. có đất liền kề nhau. Ông A. thường thả gà vịt qua làm hư rau màu và hoa kiểng của tôi. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng ông A. vẫn “làm ngơ”.
Cách đây nửa
tháng, lúc tôi đi vắng thì gà của ông A. bươi phá làm hư gần một sào cải xanh của
tôi. Giận quá, tôi có đập chết một con gà (nòi). Ông A. cho rằng tôi đã làm chết
con gà của ông trị giá cả triệu đồng nên không bồi thường cho tôi. Xin hỏi ông
A. có phải bồi thường cho tôi không? Tôi phải làm sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư
Bến Tre) tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 603 Bộ luật Dân sự (năm
2015) về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, thì chủ cơ sở súc vật phải bồi
thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại
thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái
pháp luật, đạo đức, xã hội (Khoản 4, Điều 603 Bộ luật Dân sự).
Ông A. nuôi gà, vịt thả rông bươi phá làm thiệt hại gần một
sào cải xanh của ông, nên ông A. phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại
đó cho ông. Riêng việc ông đập chết một con gà của ông A. thì ông cũng phải có
trách nhiệm bồi thường đúng giá trị con gà đó cho ông A theo nguyên tắc: “thiệt
hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời” (Khoản 1, Điều 585 Bộ luật
Dân sự).
Giữa ông và ông A. có thể thỏa thuận về mức bồi thường,
phương thức bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được thì trước hết
ông nên nhờ tổ hòa giải đưa ra hòa giải vụ việc trên nhằm hàn gắn “tình làng,
nghĩa xóm”. Nếu không thể hòa giải được thì ông hoặc ông A. có quyền yêu cầu
tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết.