Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đã có một chương riêng, Chương IV quy định về chế độ, trách nhiệm của người đứng đầu (NĐĐ) cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; gồm có 4 điều, từ Điều 70 đến Điều 73. Luật đã sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của NĐĐ.
Theo đó, Điều 70 của Luật quy định về trách nhiệm của NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 4 của luật này. NĐĐ phải gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về PCTN, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh. NĐĐ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định tại Điều 72 và Điều 73 của luật này.
Điều 72 luật quy định, NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Cấp phó của NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới.
Điều 73 Luật PCTN quy định, NĐĐ, cấp phó của NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng quy định tại Điều 72 của luật này thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng quy định tại Khoản 2 Điều 72 của luật này thì bị xử lý kỷ luật.
Đối với NĐĐ, cấp phó của NĐĐ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình, thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của điều này còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.
Ngoài ra, luật còn quy định về một số trường hợp NĐĐ, cấp phó của NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng trách nhiệm pháp lý.
H.Đức