Chị Hồ Huyền Linh đã mạnh khỏe và tất bật với công việc bán cơm tấm. Ảnh: Q.H
Không dừng lại ở việc chữa lành những trái tim cho trẻ nhỏ, từ năm 2008, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật (BTBNN&NTT) tỉnh đã bắt đầu trợ giúp phẫu thuật tim cho một số trường hợp ngặt nghèo là người lớn. Từ những kết quả khả quan ban đầu, Hội đã mạnh dạn mở rộng chương trình hỗ trợ mổ tim cho bệnh nhân nghèo - trẻ em và người lớn. Tính đến nay, Hội đã vận động tài trợ chi phí để phẫu thuật cứu sống cho 60 trường hợp là người lớn, trong tổng số 480 cas với chi phí khoảng 25 tỷ đồng, mang lại sự sống mà có lúc họ tưởng chừng như tuyệt vọng.
Có thể nói, bệnh tim là một căn bệnh phức tạp, có nhiều nguy cơ cướp đi mạng sống con người, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn, nếu như không được điều trị kịp thời. Nhưng tạo hóa cũng thật trớ trêu khi hầu hết những trường hợp bị bệnh tim đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có nhiều người chạy vạy lo cái ăn hằng ngày đã khó thì tìm đâu ra với số tiền vài chục triệu đồng để phẫu thuật tim (?!). Dẫu biết rằng, mỗi cas phẫu thuật tim cho người lớn tốn kém và phức tạp hơn nhiều so với trẻ em nhưng Hội BTBNN&NTT tỉnh vẫn cố gắng vận động, hỗ trợ vì cho rằng: người lớn thường là trụ cột trong gia đình, nếu giúp họ khỏi bệnh sẽ góp phần xây dựng mái ấm gia đình bền vững, cha mẹ mạnh khỏe sẽ làm ra của cải và con cái không phải thất học, thoát cảnh sống mồ côi, thiếu nơi nương tựa.
“Em đã về cùng anh và các con!”
Chúng tôi đã từng có dịp theo chân những người làm công tác Hội đến thăm một số trường hợp sau khi được phẫu thuật tim, sức khỏe đang dần hồi phục. Thật khó có thể tin chị Hồ Huyền Linh (ngụ tại thị trấn Mỏ Cày) đang tất bật với công việc mua bán, mà cách đây không lâu người phụ nữ này đã phải đối mặt với những cơn đau tim hoành hành, tưởng chừng như không thể qua khỏi. Chị bồi hồi: “Cách đây hai năm, căn bệnh tim cứ hành hạ tôi suốt, những cơn đau tim ngày càng nhặt hơn khiến tôi không thể làm được gì ngoài việc nội trợ. Sau khi nghe Hội BTBNN&NTT tỉnh có chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim nên tôi tìm đến và được được nơi đây hướng dẫn khám chẩn đoán và tiến hành các thủ tục để phẫu thuật. Giờ đây, sức khỏe của tôi đã ổn định, có thể buôn bán nhỏ tại nhà, góp phần ổn định cuộc sống gia đình”. Nhìn nét mặt rạng rỡ của chị Huyền Linh, người phụ nữ ở độ tuổi 42, khó ai có thể tin rằng chị là người đã từng rơi vào hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” vì căn bệnh tim quái ác. Nói với chúng tôi, chồng chị Huyền Linh muốn cảm ơn thật nhiều những người làm công tác thiện nguyện, là chiếc cầu nối giữa những tấm lòng vàng với gia đình có hoàn cảnh khó khăn như anh, đã biến ước mơ về một cuộc sống khỏe mạnh cho vợ anh thành hiện thực.
Anh Huỳnh Văn Phong vui cùng công việc của nghề thợ mộc, có thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Ánh Nguyệt
Trái tim… đã có thể yêu
Câu chuyện về một chàng thanh niên tuổi đời 27, khôi ngô, hiền lành nhưng không dám mở lòng đón nhận tình yêu lứa đôi cũng chỉ vì mặc cảm bệnh tim không tiền chữa trị, ai nghe qua cũng thấy chạnh lòng. Anh tên Huỳnh Văn Phong - một thanh niên hiền “có tiếng” mà những người dân quanh khu vực ấp 3, thị trấn Bình Đại, hầu như ai cũng “rành”. Phong có một tuổi thơ vui khỏe như bao bạn bè trang lứa, thế nhưng, bước vào tuổi thanh niên - lứa tuổi đang căng đầy nhựa sống thì Phong lại bắt đầu thấy sức khỏe mình dần suy yếu. Những cơn đau tim, khó thở, mệt mỏi cứ xuất hiện trong cơ thể anh ngày một nhiều hơn. Được chẩn đoán là: Hẹp hở van hai lá - hở van động mạch chủ, anh Phong chỉ có con đường duy nhất, nếu muốn được tiếp tục sống khỏe mạnh: phải phẫu thuật tim, với chi phí gần một trăm triệu đồng. Cha anh - một người hành nghề lái xe ôm, mẹ anh - ngày ngày làm thuê bằng nghề phơi cá khô… dù họ rất mực thương con, nhưng với ngần ấy tiền thì đành ngậm ngùi trong nỗi đau.
Rồi tình cờ và may mắn, hoàn cảnh của Phong được Hội BTBNN&NTT tỉnh tìm thấy và nhanh chóng anh được đưa đi điều trị. Ngày 2-6-2010, sau ca phẫu thuật thành công, anh được Bệnh viện Chợ Rẫy cấp giấy ra viện. Đó cũng là dấu mốc thời gian ghi lại bước ngoặt “lịch sử” của cuộc đời anh - được trở về cuộc sống đời thường với trái tim khỏe mạnh. Là con trai, lại hiền nên Phong rất ít nói, nhưng nhìn anh hăng say với công việc thợ mộc tại nhà cũng có thể hiểu, anh rất vui và hài lòng với cuộc sống hiện tại. Hỏi về chuyện gia đình, chàng trai xứ biển cứ cười bẽn lẽn mà không nói. Nhưng mẹ anh thì vui mừng ra mặt, bởi chính bà là người hiểu rõ con trai mình nhất, từ nay, Phong sẽ không còn e ngại nữa và bà sẽ có cơ hội… đón con dâu. Bởi trước kia, anh đã từng tâm sự với bà, vì mặc cảm bệnh tình nên anh chẳng dám đón nhận tình yêu, dù rằng, cơ hội đó đến với anh không chỉ một lần. Hết bệnh, đủ sức khỏe để làm việc, có thêm thu nhập đỡ đần cho cha mẹ, cuộc đời của anh Phong đã bắt đầu sang trang mới, làm được điều kỳ diệu ấy chính là Hội BTBNN&NTT tỉnh.
* * *
Một nhạc sĩ đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”, nhưng có thể nói, Hội BTBNN&NTT tỉnh đã có nhiều hơn một, đó là tấm lòng cho trẻ em và còn mở rộng cho cả người lớn khi họ là những người nghèo khó lại không may mắc bệnh tim, và giúp họ tìm lại niềm vui trong cuộc sống đời thường như bao người bình thường khác.