Trận đánh chống càn của Tiểu đoàn 516 với trung đoàn lính Mỹ ở xã Tường Đa năm 1969

10/02/2016 - 21:03

Sau khi được thành lập, Tiểu đoàn 516 (D516) lực lượng vũ trang Bến Tre đã liên tiếp thắng địch ở nhiều trận đánh lớn, nổi bật và gây nhiều tiếng vang nhất là trận lộ Thơ vào tháng 8-1964. 

Như một huyền thoại, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 516 đã tổ chức nhiều đợt công đồn, diệt viện binh và phá vòng vây địch bằng những chiến thuật hành quân tài tình. Trong số những trận thắng này, trận chống càn trung đoàn lính Mỹ của Tiểu đoàn 516 ở “Sài Gòn Mới”, xã Tường Đa, huyện Châu Thành ngày 24-5-1969 là một chiến tích điển hình.

* Từ chiến thắng trên trục lộ 27…  

Sau Tết Mậu Thân 1968, đầu năm 1969, Lữ đoàn I của Mỹ bị thiệt hại nặng cả về binh lực, phương tiện kỹ thuật, vũ khí trang bị và được Lữ đoàn II thay thế. Bấy giờ, tương quan lực lượng giữa ta và địch quá cách biệt: địch với lực lượng đông hơn lực lượng ta gấp bội, được trang bị binh khí kỹ thuật hiện đại nhưng tinh thần chiến đấu sa sút; còn lực lượng ta tuy ít, vũ khí thiếu thốn nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường, sáng ngời khí thế. D516 đang hoạt động ở Châu Thành (cánh phía Tây) với nhiệm vụ tổ chức đánh địch khi cần thiết, phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện và tỉnh; chủ yếu là phòng ngự bảo tồn xây dựng lực lượng, tạo thế phân tán đánh nhỏ, tạo thời cơ hợp đồng tác chiến với các đơn vị ở các chiến trường trong tỉnh.

Sáng 23-4-1969, đơn vị ta gồm có Tiểu đoàn bộ (Ban Chỉ huy Tiểu đoàn, thông tin, trinh sát, văn phòng), 1 đại đội chiến đấu và 1 đại đội trợ chiến (bấy giờ chỉ có khoảng 60 người được trang bị súng đại liên, 12 ly 7 và cối 81-60), đã diệt gọn 1 đại đội lính Bảo an và 1 trung đội thám báo địch trên đường hành quân từ chi khu quân sự Hàm Long (lộ 27) về Tường Đa. Sau đó, lực lượng ta án binh bất động trên địa bàn, phía trước là cánh đồng có đông dân cư  (với khoảng 300 hộ dân, thường gọi là Sài Gòn Mới) gần trục lộ 27, phía sau là vườn cây rậm rạp không có dân ở (giáp với lộ Tường Đa – Thành Triệu – Quới Thành), với nhiệm vụ là đóng quân tạm thời để hành quân về Phong Mỹ, Phong Nẫm (cánh B) của huyện Giồng Trôm.

* Đến chiến thắng trận càn của trung đoàn biệt kích Mỹ, diệt gần 1 trung đoàn địch ở “Sài Gòn Mới” xã Tường Đa

Sáng 24-5-1969, 1 đại đội thám kích Mỹ đổ quân từ xã Phú Đức càn về Tường Đa. Đặc điểm của đội quân này là thường bí mật luồn sâu vào vùng hậu phương của ta, đánh phá bất ngờ và hiểm hóc. Ta chủ động bố trí lực lượng sẵn sàng ứng chiến và tổ chức phòng ngự an toàn, chuẩn bị hành quân theo lộ 6, qua kinh Chẹt Sậy về xã Phong Mỹ để mở đợt hoạt động cánh B – Giồng Trôm. Theo lệnh của đồng chí Nguyễn Văn Còn (Ba Trung) – Q.Tiểu đoàn trưởng, 1 tổ trinh sát được cử đi bám theo địch với nhiệm vụ chống càn, dẫn dụ kéo địch ra khỏi đội hình phòng ngự của tiểu đoàn khoảng 100m. Lúc này, máy bay  trực thăng chiến đấu của địch thả khói màu làm ám hiệu xuống rước quân địch, ta xin ý kiến nổ súng đánh nhưng không được cấp trên chấp thuận.

Khoảng 10 giờ cùng ngày, một toán lính Mỹ đi vào đội hình phòng ngự của ta và nổ súng. Ta bắn lại. Lực lượng địch (cả đại đội) tổ chức xung phong. Trước đó, địch đã nã pháo từ Bình Đức (Mỹ Tho, Tiền Giang) và dùng trực thăng chiến đấu bắn dồn dập vào đội hình ta. Địch xung phong chia thành 3 mũi tiến vào đội hình của ta. Theo lệnh của cấp trên, ta bình tĩnh ẩn nấp, bắn cầm chừng và dẫn dụ địch quân tiến đến gần mới nổ súng. Cả đại đội lính Mỹ bị tiêu hao lực lượng nặng.

Bị thất bại lần đầu, địch tổ chức càn lần 2. Lần này, chúng tiếp tục nã pháo, bắn đạn xối xả từ máy bay xuống và đổ thêm 1 tiểu đoàn lính Mỹ xuống chi viện, với quyết tâm tiêu diệt D516. Quyền Tiểu đoàn trưởng D516 Ba Trung lệnh cho cán bộ, chiến sĩ tiếp tục giấu mình kín tại công sự, chờ địch tới thật gần mới nổ súng. Khi địch lọt vào trận, quân ta bất ngờ đồng loạt nổ súng khiến địch bị thiệt hại nặng. Địch cầm cự, không kêu viện binh nữa mà chia quân thành nhiều mũi tổ chức bò lê tiếp sát đội hình ta. Bị quân ta phản công đánh bật nhiều đợt, chúng đành phải rút lui.

Địch quân cay cú vì bị tiêu hao nhiều lực lượng, khoảng 13 giờ cùng ngày, chúng đổ quân thêm 1 tiểu đoàn bằng đường trực thăng và tăng cường thêm xe các chi đội xe thiết giáp để tiến hành trận càn thứ 3. Lần này, địch dọn đường mở đợt xung phong bằng việc tập trung nhiều hỏa lực dọn bãi (ném bom-phao tấp nập, trực thăng chiến đấu chen nhau bắn hỏa lực và khói mù, xe thiết giáp). Phía ta, Tiểu đoàn trưởng D516 ra lệnh cho lực lượng quyết tử bám công sự, chờ địch tới cự ly gần, thấy địch mới nổ súng. Khi vừa trút xong hỏa lực mở đường, địch đồng loạt nổ súng xung phong, tổ chức thành hàng ngang rất nhiều mũi đầu rộng, đuôi ngắn theo địa hình thực tế (do có nhiều bờ mẫu, mương nước), nhưng chúng tiến tới rất chậm và dè đặt. Ta đồng loạt nổ súng phản công quyết liệt, bị thiệt hại nên địch phải lùi lại và nổ súng cầm cự, sau đó thì rút lui.

Khoảng 1 giờ sau, địch tổ chức đợt càn thứ 4 trong ngày. Chúng dùng hỏa lực bắn chà sát, máy bay ném bom liên tiếp (4 phi đội), pháo binh từ Bình Đức (Mỹ Tho, Tiền Giang) bắn tấp nập, thiết giáp liên tiếp nã đạn. Khi dứt hỏa lực, địch không tổ chức xung phong như lần trước mà nổ súng vào đội hình ta (từ vị trí ở cách xa), sau đó ngừng bắn. Sau khi địch ngưng nổ súng, lực lượng ta cũng không nổ súng, địch quân liền tổ chức xung phong (do nhầm tưởng ta đã bị hủy diệt hoặc đang rút lui). Chờ quân địch tiến đến gần, ta nổ súng làm địch bị thiệt hại nặng nề lần nữa. Bọn chúng nổ súng cầm cự đến khoảng 16 giờ chiều cùng ngày thì rút lui…

Kết quả sau 4 trận càn, theo thông báo, địch thú nhận bị chết và bị thương gần 300 lính, bị rơi 1 chiếc trực thăng và bị thương 3 chiếc. Lực lượng bên ta, hy sinh 3 đồng chí và bị thương 5 đồng chí. Sau khi củng cố lực lượng, trong đêm 24-5-1969, đơn vị ta tổ chức hành quân về Phong Mỹ (cánh B) của huyện Giồng Trôm. Giữa đường, trinh sát ta phát hiện có biệt kích Mỹ mai phục, toàn đơn vị quay lui trở ra và mở đường về xã Tam Phước, huyện Châu Thành. Khi lực lượng ta vừa đến giữa cánh đồng thì địch bắn pháo sáng như ban ngày và tập trung hỏa lực bủa vây, nhưng quân ta đã bình tĩnh, khéo léo bò theo đường bờ mẫu ruộng thoát ra ngoài vòng vây. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng ta tập trung về đóng quân ở xã An Khánh (Châu Thành), đêm sau thì tiếp tục hành quân theo kế hoạch…

(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Hoàng Bé - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thạnh Phú.Trong trận chiến này, bấy giờ ông Bé là Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát, Tiểu đoàn 516)

Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN