Trăn trở của các làng nghề hoa kiểng

27/11/2012 - 15:29

Đến cuối năm 2011, toàn huyện Chợ Lách đã được công nhận 18 làng nghề sản xuất hoa kiểng, trong đó xã Vĩnh Thành có 10 làng nghề được công nhận năm 2009 với hơn 1.200 hộ tham gia sản xuất hoa kiểng, bonsai, mai vàng, cây cảnh... Xã Phú Sơn được công nhận 2 làng nghề, có hơn 200 hộ chuyên sản xuất mai vàng, hoa nở... Xã Vĩnh Hòa được công nhận 6 làng nghề từ tháng 9-2011 gồm 563 hộ sản xuất các loại hoa, tắc kiểng, bonsai, mai vàng...

Bình quân mỗi năm, các làng nghề sản xuất hơn 2 triệu sản phẩm hoa, tắc kiểng, bonsai, cây cảnh để đưa ra thị trường khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, doanh thu hàng năm hơn 200 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Riêng xã Vĩnh Hòa, hiện có gần 800 hộ tham gia sản xuất các loại hoa, tắc kiểng, bonsai, cây cảnh; mỗi năm tiêu thụ được từ 400-500 ngàn sản phẩm, doanh thu hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, tắc kiểng có gần 200 ngàn sản phẩm, kiểng bonsai, cây cảnh hơn 100 ngàn sản phẩm; mai vàng khoảng 100 ngàn sản phẩm, còn lại là các loại  kiểng lá, hoa cúc, vạn thọ, ớt kiểng... Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho việc tiêu thụ các loại sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó,  thời tiết không thuận lợi, mai vàng có năm không ra trúng vụ, hoặc nở sớm làm mất đi giá trị sản phẩm, nên người nông dân không có lợi nhuận trong nhiều năm liền, vì tiêu thụ chỉ hơn 50% sản phẩm làm ra.

Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2009 đến nay, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, đặc biệt là UBND huyện, tỉnh đã cử lãnh đạo trực tiếp đến gặp Ban Quản lý các chợ hoa xuân ở TP. Hồ Chí Minh như chợ: 3/2, công viên 2/9, Phú Mỹ Hưng, quận Gò Vấp, quận 8 đăng ký mua lô chợ Tết để cho nông dân tiêu thụ các loại sản phẩm hoa kiểng địa phương. Dù vậy, tình hình kinh doanh, tiêu thụ vẫn chưa khả quan, vì vào dịp cuối năm có hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất bị thua lỗ đã giải thể, công nhân bị thất nghiệp hoặc lao động cầm chừng, có thu nhập thấp, cũng hạn chế trong chi tiêu vào dịp Tết.

Để nông dân các làng nghề hoa kiểng được phát triển, chúng tôi mong rằng các cấp lãnh đạo cần trực tiếp quan tâm hơn, tìm đầu ra cho các sản phẩm hoa kiểng huyện Chợ Lách nói chung, xã Vĩnh Hòa nói riêng, đặc biệt là hỗ trợ cho Ban quản lý các làng nghề qui hoạch lại sản xuất, định hướng vùng sản xuất để hạn chế tình trạng cung vượt cầu, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm đẹp, kiểu dáng khác lạ, bắt mắt người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập kinh tế cho nông dân các làng nghề trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, các làng nghề trong xã Vĩnh Hòa vẫn tiếp tục sản xuất hơn 500 ngàn sản phẩm hoa, tắc kiểng, bonsai, cây cảnh để phục vụ Tết Nguyên Đán năm 2013. Nông dân trông đợi sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm các làng nghề hoa kiểng, để góp phần giữ gìn các sản phẩm truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa - tinh thần cho nhân dân và thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới trong những năm sắp tới.

Huỳnh Văn Hòa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN