Trên 230MW điện gió chờ hòa lưới điện quốc gia

19/07/2023 - 05:18

BDK - Tỉnh có 5 dự án (DA) điện gió (ĐG) được phát điện thương mại trước ngày 31-10-2021 (theo Quyết định số 39/2019/QĐ-TTg), với công suất 93,05MW. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có thêm 30MW được phép vận hành, nâng tổng công suất phát điện lên 123,05MW. Hiện tại, toàn tỉnh còn khoảng 238,45MW ĐG đã lắp đặt hoàn thành, đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương về khung giá điện sẽ hòa vào lưới điện quốc gia.

Các dự án điện gió trên bờ, tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Các dự án điện gió trên bờ, tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Thực trạng tình hình

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu: Trong 6 tháng đầu năm 2023, có thêm 30MW ĐG được phép vận hành (phát điện theo giá mua điện tạm thời, với mức giá bằng 50% giá trần do Bộ Công Thương quy định, khi nào hoàn tất đàm phán sẽ được mua điện theo giá đã đàm phán). Qua 19 tháng phát điện thương mại, tổng sản lượng điện phát lên lưới đạt khoảng 280 triệu kWh, doanh thu đạt 600 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách đạt 60 tỷ đồng.

Hiện tại, các DA đã tiếp tục lắp đặt hoàn thành khoảng 238,45MW và đang thực hiện các thủ tục pháp lý đàm phán giá điện. Được biết, ngày 7-1-2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, ĐG chuyển tiếp để tháo gỡ cho các DA đã triển khai và có ký hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập trong các quy định hiện hành về khung giá điện tái tạo, chủ đầu tư DA điện tái tạo chưa đàm phán được giá điện với EVN, dẫn đến các doanh nghiệp (DN) ngày càng khó khăn, thua lỗ. Bởi, vốn đầu tư thực hiện các DA điện tái tạo lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn dài. Để thực hiện đầu tư, DN phải huy động vốn vay. Tuy nhiên, thời gian qua, các DA đã hoàn thành lắp đặt nhưng chưa thể vận hành dẫn đến tổn thất lớn kể cả nhà đầu tư và đóng góp ngân sách.

“Bộ Công Thương mới ban hành khung giá phát điện cho DA ĐG, điện mặt trời chuyển tiếp tại Quyết định số 21/QĐ-BCT. Tuy nhiên, giá trần của khung giá quá thấp nên khi tính toán các chỉ số kinh tế của DA thì hầu như không có DA nào đạt được mức sinh lời hiệu quả, thấp hơn nhiều so với chỉ số hoàn vốn nội tại (IRR) kỳ vọng 12%. Đồng thời, các DA có thông số đầu vào thấp (theo giá đàm phán hiện nay) để đánh giá hiệu quả đầu tư DA và có kế hoạch bố trí tài chính thực hiện DA. Các tổ chức tài chính chưa có cơ sở để đánh giá tính khả thi của DA do đó chưa thể cung cấp tài chính để các DA tiếp tục triển khai…”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu phân tích.

Mặt khác, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Tỉnh có 19 DA ĐG đã được phê duyệt. Trong đó, có 7/19 DA ĐG trên bờ công suất 359,7/1007,7MW. Hiện tại, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc bồi thường, hỗ trợ đối với các đối tượng nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió, trong phạm vi 300m theo quy định tại Thông tư số 02/2019/TT- BCT; chưa có quy định tiêu chí đánh giá mức độ ảnh hưởng của DA ĐG trên bờ đối với nhà ở, hoa màu, vật kiến trúc, nên tỉnh chưa có cơ sở tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng để đền bù hỗ trợ cho người dân.

Kiến nghị giải pháp

UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn hoặc quy định thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc về nhà ở riêng lẻ nằm trong phạm vi 300m so với trụ ĐG thì có phải di dời đảm bảo cách xa trụ ĐG ít nhất 300m hay không.

Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể hơn về công trình ĐG là công trình công cộng, quốc phòng, an ninh (như đã trích dẫn tại Điều 94 Luật Đất đai năm 2013), hay công trình ĐG thuộc loại công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp (theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26-1-2021 của Chính phủ) và trong phạm vi hành lang an toàn trụ ĐG thì có phải hỗ trợ thiệt hại cho hạn chế khả năng sử dụng đất.

Bộ Công Thương sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ ảnh hưởng của ĐG trên bờ đối với nhà ở, hoa màu, vật kiến trúc. Quy định cụ thể từng khoảng cách an toàn đối với các hạng mục của công trình... để làm cơ sở cho địa phương tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng của công trình ĐG, xây dựng chính sách đền bù, hỗ trợ (nếu phải đền bù, hỗ trợ).

Sở Công Thương đang tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện đường dây 110kV đấu nối Nhà máy ĐG Sunpro và Nhà máy ĐG Thanh Phong. Rà soát, tham mưu đưa các công trình 110kV vào danh mục công trình trọng điểm của tỉnh, đôn đốc, nhắc nhở ngành điện khẩn trương hoàn thành các công trình đường dây 110kV, nhằm giải tỏa công suất các DA ĐG. Đồng thời, Sở Công Thương còn đôn đốc các nhà đầu tư rà soát các thủ tục, thẩm định thiết kế, điều chỉnh thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công Thương thẩm định điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2023 của ngành công thương, Bộ Công Thương cho biết, đã hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023), mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng theo hướng bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của nước ta cũng như xu thế phát triển của quốc tế như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN