Đoàn Giám sát Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tổ chức buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - Chi nhánh Bến Tre, do ông Trần Dương Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn. Mục đích của buổi làm việc nhằm tìm hiểu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín dụng đối với học sinh - sinh viên theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó phản ánh đến Quốc hội về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như giải trình những vấn đề liên quan tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe báo cáo sau 4 năm thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, việc thực hiện Quyết định 157 đã tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 80% học sinh - sinh viên là con em các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Quá trình triển khai và tổ chức thực hiện có sự tham gia chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền, ban ngành và đoàn thể các cấp; việc bình xét cho vay được tiến hành từ tổ tiết kiệm và vay vốn với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và người dân nên vốn đã nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - Chi nhánh Bến Tre, tính từ ngày 1-10-2007 đến ngày 31-12-2011, doanh số cho vay đạt 356,454 tỷ đồng với 53.789 lượt hộ gia đình học sinh - sinh viên vay (trong đó có 58.098 lượt học sinh - sinh viên vay vốn đi học); tổng dư nợ đến ngày 31-12-2011 đạt 318,03 tỷ đồng, gồm 21.073 hộ gia đình học sinh - sinh viên vay (trong đó có 24.205 học sinh - sinh viên vay).
Trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: chính quyền một số xã chưa thống kê, nắm rõ số gia đình học sinh - sinh viên thụ hưởng chính sách nên bị động trong việc xét đề nghị cho vay; ý thức hoàn trả nợ vay của một số gia đình và bản thân học sinh - sinh viên chưa cao…
Theo kiến nghị của các đại biểu, để phát huy hơn nữa hiệu quả của Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng cần ban hành chủ trương mở rộng đối tượng cho vay với mức lãi suất tương ứng; cần điều chỉnh mức vay phù hợp với thực trạng kinh tế, đáp ứng được nhu cầu người vay. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm sâu sát đến việc hướng dẫn cũng như cung cấp thông tin về tín dụng học sinh - sinh viên, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn theo đúng đối tượng đã được quy định trong Quyết định.