Trên 90% lao động của tỉnh trúng tuyển làm việc tại Nhật Bản

05/06/2024 - 05:34

BDK - Bến Tre có nguồn lực lao động dồi dào, trẻ. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) đều có kỹ năng, tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của công việc, có kinh nghiệm làm việc và có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật tốt. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 5.269 người đã trúng tuyển tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm chủ yếu, với 5.003 người.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp  đoàn công tác tỉnh Ehime, Nhật  Bản.

Lao động tỉnh mong muốn làm việc tại Nhật Bản

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh có 2 DN có vốn đầu tư của Nhật Bản, với lao động sử dụng khoảng 5.357 lao động. Cụ thể, Công ty TNHH May mặc Showa, sử dụng 559 lao động, hoạt động lĩnh vực may mặc (xã An Hiệp, huyện Châu Thành); Công ty TNHH MTV Furukawa Automotive Systems Việt Nam (gọi tắt Công ty FAS) (Khu công nghiệp Giao Long), chuyên sản xuất bộ dây điện xe hơi, với lao động sử dụng 4.798 người.

Riêng công tác đưa người lao động (NLĐ) của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 để phấn đấu thực hiện.

Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 5.269 người đã trúng tuyển tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 52,69% chỉ tiêu nghị quyết (Nghị quyết số 10 ngàn lao động/nhiệm kỳ; 2 ngàn lao động/năm), trong đó thị trường Nhật Bản 5.003 người. Địa phương có số lượng NLĐ tham gia nhiều nhất là huyện Ba Tri. với 1.576 người; huyện Giồng Trôm 1.125 người. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, có 950 người trúng tuyển tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó thị trường Nhật Bản 923 người.

Ngành nghề NLĐ của tỉnh tham gia là sản xuất chế tạo, xây dựng, thủy sản, điều dưỡng và nông nghiệp... Thu nhập bình quân của NLĐ khoảng từ 25 - 30 triệu đồng/người/tháng. Sau khi đã trừ các khoản chi phí thì NLĐ có thể tích lũy được khoảng từ 70-75% thu nhập để gửi về gia đình. Trong đó, tỉnh Ehime có 20 lao động của tỉnh Bến Tre sang làm việc, thông qua Công ty TNHH Esuhai là 12 lao động và Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtatco) là 8 lao động, chủ yếu làm các ngành nghề chế biến thực phẩm, may mặc, hàn, đóng sách...

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng cho biết, qua theo dõi quản lý, hiện nay NLĐ của tỉnh chủ yếu tham gia đi làm việc ở thị trường Nhật Bản, theo hình thức thông qua các DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều DN đến tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có khoảng 10 DN thường xuyên kết nối với các huyện, thành phố của tỉnh để tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ. Các DN này có những chính sách ưu đãi riêng.

Chú trọng đào tạo nhân lực

Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 DN thành lập Văn phòng đại diện (gồm: Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế Sài Gòn, Công cổ phần nhân lực Mekong, Công ty TNHH Akanen) và có 3 DN tổ chức đào tạo tiếng Nhật tại tỉnh (Công ty TNHH Esuhai liên kết với Trường Trung cấp công nghệ Bến Tre để đào tạo tiếng Nhật, Công ty TNHH Nhân lực Mirai và Công ty cổ phần Nhân lực Trasesco có thành lập cơ sở đào tạo tiếng Nhật). Các đơn vị này đã mở được 29 lớp, với 248 học viên tham gia học tiếng Nhật trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có Công ty TNHH Esuhai mở nhiều nhất, với 19 lớp.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng, các chính sách hỗ trợ NLĐ của tỉnh được quan tâm. Trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì NLĐ được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hình thức tín chấp, với lãi suất ưu đãi bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo 0,55%/tháng; 6,6%/năm, thời gian vay bằng với thời gian tham gia đi làm việc ở nước ngoài được ghi trên hợp đồng giữa 2 bên đã ký kết.

Sau khi về nước đúng hạn, NLĐ được hỗ trợ kết nối tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề khi NLĐ có nhu cầu học nghề để tao việc làm mới; được tham gia chương trình khởi nghiệp của các tổ chức hội, đoàn thể khởi nghiệp; hỗ trợ vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để tạo việc làm tại chỗ hoặc để chuyển đổi nghề nghiệp.

NLĐ sau khi về nước đúng hạn đều tham gia làm việc tại các DN trong và ngoài tỉnh, nhất là các DN có đầu tư vào Việt Nam mà NLĐ đã từng làm việc với DN đó ở nước ngoài, hoặc tự tạo việc làm tại gia đình... chưa có trường hợp nào NLĐ sau khi về nước đúng hạn bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.

Để quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới như:  Tăng cường công tác thông tin, tuyện truyền, vận động NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các địa phương, thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện trong tỉnh để tạo cầu nối giữa NLĐ với các DN.

Phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương để lồng ghép trong các chương trình truyền thông, tư vấn nhằm phổ biến cho hội viên ở cơ sở hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, vận động NLĐ và thân nhân của NLĐ mạnh dạn đăng ký tham gia và hướng tới mỗi hội viên là một tuyên truyền viên về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ở cấp cơ sở.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN