Trí thức trẻ chia sẻ về phát triển nông nghiệp, du lịch

23/04/2021 - 06:31

BDK - Buổi đối thoại với chủ đề “Trí thức trẻ - Khát vọng xứ Dừa” mới đây do Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của trí thức trẻ về phát triển nông nghiệp, du lịch, quảng bá hình ảnh Bến Tre, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ…

Sản xuất mật hoa dừa tại Châu Thành của bạn Tô Chí Hải. Ảnh: Trúc Lan

Sản xuất mật hoa dừa tại Châu Thành của bạn Tô Chí Hải. Ảnh: Trúc Lan

Nông nghiệp, du lịch

ThS. Ngô Hoàng Đại Long - Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre chia sẻ tại buổi đối thoại: Bằng tình yêu quê hương, yêu cây dừa, tôi đã “bứng” cả gia đình về Bến Tre để thỏa bao lâu ôm ấp giấc mộng tại trường đại học. Với tôi, làm ở đâu, chỗ nào không quan trọng, quan trọng là làm gì, làm như thế nào. Bến Tre có rất nhiều nông sản rất ngon, hấp dẫn. Người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng giá cả sản phẩm bấp bênh. Làm sao để giúp người nông dân nâng cao giá trị nông sản như bán hàng thương mại điện tử, quảng bá du lịch… thì cần tăng cường tập huấn cho người nông dân, doanh nghiệp trẻ. Bằng những hoạt động thiết thực như thế, chúng tôi tin rằng, tỉnh có thể vượt lên kịp các tỉnh khu vực...

Tại tỉnh hiện đã có nhiều mô hình nông nghiệp mới giúp nâng cao giá trị nông sản, nhất là giá trị cây dừa; đồng thời thích ứng biến đổi khí hậu. Bạn trẻ Tô Chí Hải (huyện Châu Thành) đã nghiên cứu khá thành công về sản phẩm mật hoa dừa. Góp ý cho mục tiêu phát triển hướng Đông, Tô Chí Hải cho rằng, vùng ven biển vẫn có thể trồng dừa để khai thác mật hoặc vùng đất cát có thể ứng dụng các mô hình trồng thủy canh, bán thủy canh… để khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp ven biển, kết hợp du lịch.

“Bến Tre đang là thời điểm vàng để phát triển nông nghiệp xanh, sạch và hạn mặn là một thử thách lớn. Trồng dừa ven biển để lấy mật hoa dừa cũng là sáng kiến hay. Là người quan tâm cây giống, tôi hy vọng tỉnh có thể phát triển cây giống Chợ Lách trong tương lai. Để xây dựng cần có thương hiệu riêng, chính sách rõ ràng. Nên chăng hình thành 1 bảo tàng dừa, nhằm tạo thêm sản phẩm cho du lịch, cung cấp nhiều thông tin cho du lịch và giáo dục. Trong 2 trụ cột là nông nghiệp và du lịch thì cần quy hoạch khoanh vùng để có định hướng cụ thể…”, TS. Nguyễn Thiên Quang, Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế tâm đắc về Khát vọng năm 2045.

Giám đốc Khách sạn Dừa Trần Thị Hải Vân bộc bạch: “Tôi có tình yêu khá đặc biệt với Bến Tre. Tôi nhận thấy, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng hiệu quả về du lịch chưa như mong muốn. “Hướng tới, tỉnh cần có quy hoạch khu vực tập hợp trồng tất cả các loại cây dừa để khách tìm hiểu. Các sản phẩm đa dạng từ dừa. Biểu tượng về Bến Tre… Đom đóm cũng là đặc trưng của tỉnh nên cần được khai thác hiệu quả. Hay lấy hình ảnh dáng đứng Bến Tre để làm biểu tượng cho du lịch tỉnh nhà…”, bà Vân chia sẻ.

Quảng bá hình ảnh Bến Tre

Trên các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, có ý kiến cho rằng tỉnh cần xây dựng hình ảnh du lịch, thương hiệu nông sản, cũng như những thông tin về chủ trương, chính sách thu hút nguồn nhân lực, đầu tư... Cây dừa đã được đưa vào truyền thông như: làm logo, làm hình đại diện, phông nền sự kiện, tuyên truyền... nhưng một hình ảnh chung nhất, được công bố và sử dụng phổ biến, rộng rãi, đến mức quen thuộc của tỉnh thì chưa có. Bên cạnh đó, hình ảnh và những giá trị về văn hóa truyền thống, con người cũng như những nhịp sống và những chủ trương, chính sách mới, định hướng mới của tỉnh thời gian qua được khai thác tốt nhưng còn thiếu sự kết nối và thống nhất với nhau.

Hầu hết trí thức trẻ đều thống nhất sự cần thiết xây dựng một chiến lược truyền thông chung để tạo dựng hình ảnh Bến Tre. Về trực quan, đó là bộ nhận diện hình ảnh truyền thông của tỉnh (màu sắc chủ đạo, logo đại diện, slogan - khẩu hiệu). Bộ nhận diện truyền thông được sử dụng trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên hệ thống tuyên truyền trực quan (pa-nô, băng-rôn, standee, khẩu hiệu...); trong các sự kiện đối ngoại (nhất là hoạt động xúc tiến du lịch, hợp tác liên kết phát triển du lịch, các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao); hệ thống tài liệu văn phòng, biển bảng, quảng cáo, đối ngoại, các ứng dụng trình chiếu, quà tặng đối ngoại... Đồng thời, lựa chọn và sử dụng các “từ khóa” (key word) trong truyền thông, tuyên truyền về Bến Tre như: Bến Tre xanh, quê hương Đồng Khởi, Bến Tre xứ Dừa... Cần quan tâm và xem truyền thông vừa là kênh thông tin quan trọng trong xây dựng hình ảnh của tỉnh, vừa là đòn bẩy góp phần xúc tiến thu hút đầu tư trên các lĩnh vực.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực truyền thông của các cơ quan nhà nước: xây dựng cơ quan văn hóa, hiện đại, chủ động trong truyền thông về mặt hình ảnh cho từng đơn vị ngành, vừa tạo hình ảnh đẹp của đơn vị, vừa góp phần tạo hình ảnh đẹp cho tỉnh. Xây dựng môi trường làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước theo hướng năng động, hiện đại, tạo điều kiện cho trí thức trẻ phát huy năng lực.

Chú trọng hơn việc quản lý, vận hành các kênh thông tin điện tử của tỉnh và các cơ quan sở, ngành, đoàn thể tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sử dụng đồng bộ bộ nhận diện hình ảnh của tỉnh. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương về xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, khơi dậy niềm tự hào và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh trong mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể hóa và đẩy mạnh truyền thông về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện trong thời đại mới. Bồi dưỡng, phát huy năng lực đội ngũ những người làm truyền thông chuyên nghiệp, có khả năng xử lý các trường hợp khủng hoảng hoặc sự cố truyền thông hiệu quả, bảo vệ hình ảnh của tỉnh. Các cơ quan Đảng, Nhà nước cần xem truyền thông có vai trò tạo động lực, sử dụng truyền thông như cách doanh nghiệp làm truyền thông cho chính mình.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: “Lãnh đạo tỉnh rất hoan nghênh những ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức. Hiện nay, dòng chảy trí thức Bến Tre đi các nơi khác làm việc nhưng cũng có rất nhiều thanh niên quay về để cống hiến, đóng góp cho quê hương. Mong rằng, tới đây sẽ có nhiều tri thức trở về tỉnh. Chúng tôi rất cần nguồn lực về con người, nhất là các trí thức trẻ nhằm giải quyết bài toán về chất lượng nguồn nhân lực, xem đây là một trong các trụ cột để phát triển tỉnh trong tương lai…”.

 C. Trúc - T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN