Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

06/08/2022 - 06:05

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4952/VPCP-V.I gửi Tổng Thanh tra Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.

Ngày 20-1-2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Phiên họp thứ 21 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Ngày 20-1-2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Phiên họp thứ 21 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương có báo cáo số 06-BC/TW ngày 23-7-2022 về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Về việc này, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến như sau:

Thanh tra Chính phủ dự thảo văn bản của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nêu tại bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các nội dung, nhiệm vụ nêu tại báo cáo số 06-BC/TW ngày 23-7-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8-2022.

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, người dân đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Theo Tổng bí thư, nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhìn nhận, công tác phòng chống tham nhũng còn những hạn chế. Đơn cử như một số đơn vị chưa quyết tâm cao, việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ là khâu yếu; tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong bản thân mỗi con người, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu "phải có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt"; người đứng đầu chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm trong đơn vị.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, tức thói hư, tật xấu, suy thoái về phẩm chất, đạo đức; tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công; chặn tình trạng biếu xén cho, tặng, hối lộ tiền tài, của cải, vật chất với động cơ không trong sáng. Các cơ quan phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng. Theo Tổng Bí thư, chống tham nhũng không thể nóng vội, thỏa mãn; không né tránh, cầm chừng, phải kiên trì, không ngừng nghỉ. Dù vậy, việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Tổng Bí thư yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng phải được chú trọng, áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để ngay từ giai đoạn thanh tra đến khi thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội theo đó, phải có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN