Đoàn của Tổng cục Thủy lợi kiểm tra tại Trạm bơm nước thô của Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh.
Chủ động trong dân
Anh Đoàn Thanh Tùng, ấp Thanh Điền, xã Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) cho biết, ngày 11-12-2019, phát hiện mặn xâm nhập, anh đã lấy mẫu nước mang đến đại lý thuốc bảo vệ thực vật trong khu vực để đo độ mặn. Độ mặn 2%o không thể tưới cho cây, anh phải mua thêm 2 bồn chứa nước (loại 1m3 và 1 bồn loại 2m3) để lấy nước từ sông Vĩnh Hòa thuộc địa bàn xã Vĩnh Hòa, Chợ Lách về tưới cho cây sầu riêng.
Theo anh Tùng, gia đình anh đã trữ 5m3 nước để sinh hoạt và tận dụng nước ngọt trong mương vườn chỉ đủ dùng trong 1 con nước (1 tháng) sau đó mới trữ tiếp nhưng mặn xâm nhập đột ngột không kịp trở tay. Khả năng mặn không giảm, lượng nước trữ không đảm bảo lâu dài. Mỗi ngày, 4 ngàn gốc sầu riêng, gia đình anh Tùng cần khoảng 2m3 nước tưới. Trước mắt, anh vẫn lấy nước từ thượng nguồn và hy vọng con nước khi chân triều giảm mặn sẽ tích trữ thêm để sử dụng trong thời gian tới.
Sau khi phát hiện mặn, xã Hưng Khánh Trung A đã phát động bà con ngăn mặn bằng cách bít cống để trữ ngọt. Xã có 80% diện tích đã có bờ bao khép kín, tuy nhiên độ mặn cao xâm nhập toàn xã. Hiện tại, để ứng phó với mặn, người dân đã chủ động mua túi nylon, bồn nhựa để chứa nước. Các hộ kinh doanh chợ Ba Vát (Mỏ Cày Bắc) đang “cháy” bồn nhựa, bồn inox chứa nước. Khách hàng muốn mua phải qua TP. Bến Tre hoặc phải đặt trước. Tại ấp Phú Xuân, xã Hưng Khánh Trung A, người dân đào hố, phủ bạt để trữ nước.
Hay xã Tân Thiềng (Chợ Lách), trong nhóm sản xuất người dân chủ động thuê ghe, xà lan để vận chuyển nước về dự trữ tại mương vườn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (NN&PTNT) Bùi Thanh Liêm cho hay, huyện xây dựng kịch bản xấu nhất, nước mặn xâm nhập toàn huyện xuyên suốt độ mặn trên 4%o, hệ thống nội đồng nhiễm mặn dưới 3%o, thì huyện sẽ vận chuyển, tận dụng nguồn nước ngầm, giảm sản xuất, dịch chuyển cây giống lên vùng thượng nguồn để giúp người dân đảm bảo sản xuất vượt qua thời điểm hạn mặn.
Để thông tin nhanh nhất cho người dân, huyện Chợ Lách đã tổ chức đo độ mặn tại mỗi xã từ 7 - 10 trạm. Khi có số liệu, xã thông tin lên nhóm zalo phát tin từ tổ trưởng đến người dân. Huyện còn ghi chú nồng độ mặn để người dân chủ động quản lý, chăm sóc cây trồng. Theo ông Bùi Thanh Liêm, hàng năm, qua các đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân được trang bị biện pháp ứng phó với mặn; cách trữ nước, tưới tiết kiệm nước, che mát, chắn gió để lượng nước tưới thấp nhất trong điều kiện hạn mặn.
“Người dân có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật bón phân, tăng cường Kali và phân hữu cơ hoặc những chất hỗ trợ cây trồng chịu đựng được mặn. Đặc biệt, trong sản xuất hoa kiểng thì vấn đề kiểm tra mặn cần được quan tâm và dự trữ đủ nước ngọt”, ông Bùi Thanh Liêm lưu ý.
Phương án ứng phó
Chia sẻ tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đầu tháng 12-2019, Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm cho biết, tỉnh đã thực hiện quyết liệt công tác ứng phó, hầu hết các địa phương tích cực và tìm mọi cách để ứng phó với tình hình hạn mặn xâm nhập. Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên, liên tục đăng tải các thông tin về hạn mặn, tuyên truyền rộng khắp và thông suốt trong dân. Nhờ đó, ý thức chủ động phòng chống hạn mặn của người dân có nâng lên. Tỉnh đã hướng dẫn người dân các biện pháp tích trữ nước trong ao, mương, lu, mái… Khuyến cáo người dân không xuống giống vụ 3, tuy nhiên, một số hộ dân huyện Giồng Trôm, Ba Tri do nhu cầu thức ăn cho bò nên đã xuống hơn 600ha lúa.
Thời điểm này, các lực lượng chuyên môn kiểm soát chặt chẽ hệ thống thủy lợi, nếu có điều kiện nước ngọt thì khẩn trương tích trữ. Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Huỳnh Kim Mười cho biết, hiện tại, kết quả đo mặn tại 35 nhà máy nước nông thôn trên địa bàn tỉnh đã nhiễm mặn, độ mặn dao động 0,3 - 5%o. Nguồn nước ngọt duy nhất là Trạm bơm nước thô của Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh. Trường hợp mặn lên cao, từ trạm sẽ bổ sung đấu nối cung cấp cho một số nhà máy nước nông thôn. Đơn vị thường xuyên kiểm tra độ mặn, sẵn sàng phương án bố trí các điểm cấp nước tập trung, lọc mặn qua hệ thống RO tại 12 nhà máy nước có lọc mặn ở một số địa phương trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài.
Theo ông Bùi Văn Lâm, ngoài kênh thông tin qua các loa truyền thanh, báo, đài tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhắn thông tin hạn mặn cho 825 đầu số điện thoại từ lãnh đạo cao nhất tỉnh đến cấp xã. Khi tình hình mặn xâm nhập sâu, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ liên hệ tỉnh bạn (Vĩnh Long, Cần Thơ) để chia sẻ thông tin số liệu đo mặn để người dân có thể chủ động lấy nước.
Thời gian tới, để chủ động ứng phó và đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp, nhất là khi xảy ra tình huống bất lợi nhất, tỉnh đã xác định một số giải pháp cấp bách. Cụ thể, tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý; thường xuyên cập nhật, thông báo tình hình xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động có biện pháp ứng phó. Kịch bản xấu nhất, tỉnh sẽ huy động xe bồn chữa cháy và phương tiện của các doanh nghiệp, người dân: xà lan, ghe, xe các loại... để vận chuyển nước; tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do mặn xâm nhập (nếu có).
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Lợi Lương Văn Anh đánh giá cao sự chủ động của tỉnh cũng như công tác hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong sản xuất, tích trữ nước. Đồng thời, nhận định, khả năng tình hình hạn mặn năm nay ít nhất sẽ khốc liệt và gay go bằng hoặc hơn 2015-2016. Ông Lương Văn Anh đề nghị các ban, ngành trong tỉnh tiếp tục vào cuộc mạnh hơn nữa, để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho người dân. Đặc biệt hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước vào thời điểm thích hợp; phương án tưới tiêu cho sản xuất trong trường hợp hạn mặn kéo dài. Tỉnh cần sớm có báo cáo chi tiết về kế hoạch ứng phó và dự báo khả năng ảnh hưởng khi mặn xâm nhập toàn tỉnh để Chính phủ nắm thông tin và kịp thời chỉ đạo bộ, ngành có phương án hỗ trợ cho địa phương. |
Bài, ảnh: Phan Hân