Triển khai đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử

07/03/2022 - 05:59

BDK - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dữ liệu quốc gia. (Ảnh chụp màn hình)

Thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dữ liệu quốc gia. (Ảnh chụp màn hình)

Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của địa phương và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm xác định tại Đề án 06 để đạt mục tiêu đề ra theo 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Thời gian hoàn thành các đầu việc được xác định rõ theo từng quý trong năm 2022 và năm 2023.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh và các sở ngành, địa phương triển khai rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của địa phương để sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư phục vụ thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện hoàn thiện chính sách, pháp luật để cung cấp, ứng dụng dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư.

Triển khai thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDLQG về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDLQG về dân cư

Phối họp triển khai có hiệu quả việc định danh và xác thực điện tử theo Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng CSDLQG về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và CSDLQG về xuất nhập cảnh.

Triển khai thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống xác thực, định danh điện tử của Bộ Công an để phục vụ định danh, xác thực, tạo lập tài khoản điện tử của cá nhân trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.

Thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết TTHC để làm giàu, cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả CSDLQG về dân cư phục vụ giải quyết TTHC

Triển khai theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư từ CSDLQG về dân cư phục vụ xác thực, định danh và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống đánh giá việc giải quyết TTHC của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Triển khai ứng dụng di động Công dân số từ VNEID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, hoạt động ngân hàng, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm...

Rà soát, tái cấu trúc quy trình cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và tổ chức thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDLQG về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDLQG về dân cư.

Triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội nhất là các lĩnh vực CĐS mạnh nhất như: Ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử...), tài chính, viễn thông, điện, nước.

Xây dựng, triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) trên nền tảng bản đồ số, phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và các chính sách khác.

Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN