Triển vọng của nghêu Bến Tre qua hai năm được cấp chứng nhận MSC

08/12/2011 - 17:24

Ngày 5-12-2011, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Chuyển giao công nghệ dịch vụ và Phát triển cộng đồng Nông - Ngư nghiệp Việt Nam (FACOD) thuộc Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá mô hình đồng quản lý phát triển bền vững theo tiêu chuẩn MSC của nghề nghêu Bến Tre; định hướng phát triển đối với nghề nghêu của vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2015”. Đại diện lãnh đạo của 10 tỉnh, thành phía Nam (từ Bình Thuận đến Kiên Giang), các cục, vụ, viện, trường, hợp tác xã, doanh nghiệp và đơn vị tài trợ đã tham dự.

Thu hoạch nghêu ở Bình Đại. Ảnh: Hoàng Vũ

 

Theo báo cáo, sau 2 năm được chứng nhận MSC, sản lượng nghêu được duy trì, nghêu giống xuất hiện nhiều hơn (năm 2011, dù lượng nghêu giống chết khá nhiều nhưng sản lượng giảm không nhiều). Các tác động môi trường được xác định và giảm thiểu. Các tiêu chuẩn về môi trường được thực hiện tốt, quản lý nghề cá theo hướng tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Các bên có liên quan nâng cao nhận thức trong công tác quản lý; hiệu lực, hiệu quả quản lý nghề nghêu ngày càng được nâng cao. Mô hình hợp tác xã được củng cố và phát triển dựa trên sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng xã viên cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Bộ máy tổ chức và cơ chế phân phối lợi nhuận, lao động được xây dựng hợp pháp, hợp lý, dân chủ. Quyền lợi của cộng đồng được chia sẻ đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng. Giá nghêu xuất khẩu có nhãn MSC cao hơn nghêu không có nhãn MSC. Nguồn thu nhập của cộng đồng ngày càng tăng. Dân cư ven biển được giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong vùng nguồn lợi nghêu có nguồn lao động phổ thông dồi dào, cần cù, chịu khó và nhiều kinh nghiệm trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi nghêu giống và thương phẩm. Với phương thức quản lý sâu sát và hiệu quả, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý có liên quan đến các thể chế, chính sách. Các bộ, ngành, viện, trường đã và đang triển khai nhiều đề tài, dự án có liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi nghêu.

 Thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn của Bến Tre, trong đó con nghêu là một trong năm đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Giá nghêu thương phẩm tăng và ổn định là điều kiện tốt để nâng cao vị thế con nghêu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, Bến Tre vẫn còn những khó khăn như: Nguồn lợi nghêu phụ thuộc vào tự nhiên, thời gian sinh trưởng và phát triển kéo dài, rất khó phòng tránh rủi ro. Một số bãi nghêu còn bị ngọt hóa vào mùa mưa, ảnh hưởng đến sản lượng nghêu. Một số hợp tác xã thiếu kinh nghiệm, quản lý yếu để xảy ra tình trạng khai thác nghêu trái phép. Chi phí đánh giá chứng nhận và đánh giá thường niên cao (chia đều cho các bên trong chuỗi giá trị), trong khi lợi ích tập trung nhiều vào các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Thời tiết, khí hậu có những diễn biến phức tạp, đặc biệt tác động biến đổi khí hậu toàn cầu. Hàng năm, biến động cơ học có khuynh hướng bồi tụ nâng cao dần đới bãi ven bờ...

Đa số các đại biểu thống nhất cao giải pháp phát triển tiêu chuẩn MSC đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2012 – 2015 là: Nhân rộng mô hình quản lý của các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; tùy theo năng lực về nguồn lực vật chất, tài chính, điều kiện tự nhiên mà từng hợp tác xã xây dựng hệ thống tổ chức, điều hành cho phù hợp; hỗ trợ phát triển mô hình đồng quản lý tổng hợp vùng bờ. Thành lập Liên hiệp Hợp tác xã nghêu Bến Tre để hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển. Phối hợp bảo vệ an ninh vùng nguồn lợi nghêu và vùng ven biển trong khu vực quản lý. Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi nghêu giống và nghêu bố mẹ. Các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến và đẩy mạnh triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, các cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương để cộng đồng vận dụng và thụ hưởng từ những cơ chế chính sách này. Các sở, ngành hỗ trợ huyện ven biển thiết lập hệ thống thông tin, quảng bá MSC, tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho con nghêu Bến Tre. Thực hiện chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh nhuyễn thể 2 mảnh vỏ với các quy định và hướng dẫn về các chỉ tiêu an toàn vệ sinh cũng như cách thực hiện đánh giá các tiêu chí đó. Khuyến cáo các hợp tác xã có nguồn nghêu giống tự nhiên nên giữ lại để phát triển nguồn lợi nghêu thương phẩm. Đối với khu vực bãi nghêu giống không đảm bảo điều kiện tốt, khuyến khích san thưa hoặc di chuyển đến bãi nghêu an toàn và có điều kiện thích hợp. Nhà nước cần đầu tư xây dựng trạm quan trắc tại các vùng cửa sông ven biển, nơi có nguồn lợi nghêu để theo dõi, quan trắc chất lượng môi trường nước, phục vụ công tác cảnh báo thường xuyên để có kế hoạch di chuyển nghêu đến nơi an toàn, san thưa hoặc khai thác kịp thời, giảm thiểu rủi ro. Xác định vị trí phân bố nghêu bố mẹ để bảo vệ nghêu nghiêm ngặt. Xác định mùa vụ xuất hiện nghêu giống để khoanh vùng bảo vệ. Thường xuyên theo dõi sự phát triển của nghêu thịt. Cộng đồng, chính quyền địa phương phối hợp với các viện, trường xây dựng đề tài khoa học, dự án liên quan đến con nghêu; đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao và nhân rộng các kết quả đã đạt được trong sản xuất nghêu giống nhân tạo công nghệ làm sạch nghêu, bảo quản nghêu sau thu hoạch, kiến thức đồng quản lý và phòng ngừa giảm thiểu rủi ro. Hợp tác xã cần trích lập quỹ phát triển sản xuất, tích lũy vốn đề phòng rủi ro. Xây dựng dự án tranh thủ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, giống, cơ sở làm sạch nguồn lợi nghêu…

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch VINAFIS cho rằng, mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu đến các tỉnh ven biển, các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan trong nước và quốc tế về mô hình phát triển bền vững nguồn lợi nghêu theo tiêu chuẩn MSC của Bến Tre. Ông Thắng nhấn mạnh sự cần thiết trong liên kết, hợp tác của cộng đồng các tỉnh ven biển, cơ quan, đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học, xã hội, kinh tế trong nước và quốc tế để tăng cường hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý, tích cực tham gia xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng và quản lý khai thác thủy sản nói chung và con nghêu nói riêng theo xu thế phát triển bền vững.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN