Hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Mỏ Cày Bắc tham quan mô hình nuôi ốc bươu tại xã Tân Phú Tây.
Mô hình Triển vọng
Phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi phục viên, ông Hồ Văn Mai - Chi hội trưởng Hội CCB ấp Đông An, xã Thành An, không ngừng vượt khó, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi ốc bươu. Gia đình ông Mai có trên 5 công đất trồng dừa, nuôi cá. Trong một lần tình cờ, ông xem trên mạng Internet thấy tỉnh Tiền Giang có người nuôi ốc bươu hiệu quả. Ông tìm hiểu và nhận thấy ốc bươu dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2021, lần đầu thử nghiệm, ông Mai mua 2 ngàn con ốc bươu giống, với giá 700 ngàn đồng (350 đồng/con). Tận dụng ao mương vườn hiện có, ông Mai làm gần 30 dèo (mỗi dèo diện tích 2x3m) bằng lưới để nuôi ốc. Với mô hình nuôi này, ông Mai tạo cho ốc một môi trường sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, không tác động đến sự phát triển của ốc. Theo ông Mai, thức ăn của ốc là những loại rất quen thuộc, dễ tìm như các loại rau cỏ mọc tự nhiên xung quanh ao, mương ruộng và thực phẩm thừa của con người. Đặc biệt là không dùng đến các loại thức ăn công nghiệp nên đảm bảo chất lượng vốn có của loài ốc này.
Sau 3 tháng nuôi, ốc bươu sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch, với 200kg ốc thương phẩm, giá 50 ngàn đồng/kg. Chỉ là lứa đầu nhưng ông Mai đã có thu nhập thêm từ nguồn bán ốc thịt. Số ốc còn lại ao, ông để đẻ trứng và bán trứng ốc làm giống. Mỗi ngày, ông Mai thu khoảng 2kg trứng, với giá 1,2 triệu đồng/kg. “Nuôi ốc không hao tốn nhiều công, vốn, mà lợi nhuận lại cao. Cứ 1 ngàn con ốc con ban đầu (có trừ hao phí), sau 3 tháng nuôi sẽ đạt khoảng 200kg, thu về 10 triệu đồng. Trừ đi chi phí thì còn lợi nhuận trên 7 triệu đồng”, ông Mai cho biết.
Chia sẻ kỹ thuật nuôi ốc bươu, ông Mai cho biết: Ốc bươu rất dễ nuôi. Giai đoạn ốc còn nhỏ thì cho ăn bèo. Để đảm bảo môi trường nước sạch cho ốc, từ 15 - 20 ngày thì rải vôi thủy sản xuống ao để xử lý nguồn nước. Kỹ thuật ấp trứng ốc cũng khá đơn giản. Sau khi thu trứng ốc từ ao dèo mang về ấp bằng cách bỏ trong thùng xốp, đổ nước vào và lấy vải mùng đậy lại cho thấm đến 6 ngày sau có ốc con. Sau vài ngày vớt ốc con ra dèo cho ăn bèo.
Tại vườn ông Hồ Văn Mai mới nhân lại 2 dèo, với 1 ngàn con. Dự kiến, ông sẽ thử nghiệm mở rộng mô hình nuôi ốc bươu trên bạt trong thời gian tới. Ông Mai nói: “Nuôi ốc bươu nhẹ công chăm sóc, không tốn chi phí thức ăn. Nguồn thức ăn của ốc là bèo có sẵn tại vườn nhà. Mỗi ngày cho ốc ăn 1 lần”.
Ngoài nuôi ốc, ông Mai còn tận dụng diện tích ao nuôi, dưới ao thả cá để cải thiện bữa ăn. Ông Mai dành 1 giờ cho ốc ăn mỗi sáng, sau đó đi làm hồ tại địa phương. Hiện nay, mô hình nuôi ốc bươu của ông Hồ Văn Mai là mô hình kinh tế mới trên địa bàn huyện, rất có triển vọng, thu hút nhiều bà con trong và ngoài xã đến tham quan và học hỏi.
Phát triển, nhân rộng
Chủ tịch Hội CCB huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thành Ẩn cho biết: “Không chỉ chịu khó làm kinh tế, CCB Hồ Văn Mai còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cung cấp ốc bươu giống cho các hộ dân và các hội viên trong và ngoài xã có nhu cầu, để mọi người cùng áp dụng, giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế”.
Với đặc tính dễ nuôi, nguồn thức ăn dồi dào, phù hợp với mọi điều kiện nuôi tự nhiên, không chỉ hội viên CCB mà nhiều hộ dân trong huyện đã tận dụng ao, mương quanh nhà để nuôi ốc bươu, tăng thu nhập cho gia đình. Mới thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu trong mương vườn, ông Nguyễn Văn Hiểu - nông dân ấp Tân Hòa, xã Tân Phú Tây cho biết: “Thấy mô hình nuôi ốc hiệu quả nên tôi bắt đầu nhân giống nuôi, quá trình sinh trưởng của loài ốc này hoàn toàn tự nhiên, không tốn nhiều chi phí, công chăm sóc cũng đơn giản. Gia đình tôi để ốc sinh trưởng tự nhiên. Trung bình 4 tháng nuôi, ốc thịt đạt loại lớn (15 con/kg) giá bán 80 ngàn đồng/kg, lợi nhuận tương đối ổn định”.
Theo kinh nghiệm ông Nguyễn Văn Hiểu, tuy sống dưới bùn đất nhưng ốc bươu rất ưa nước sạch. Nếu ao nước bẩn, nước tù đọng, ốc dễ bị bệnh chết. Do đó, phải thường xuyên vệ sinh ao, tháo nước, xử lý môi trường bằng vôi.
Nhận thấy hiệu quả ban đầu của việc nuôi ốc bươu, Hội CCB huyện Mỏ Cày Bắc đã triển khai thí điểm mô hình ở 13 xã. Trung bình mỗi xã có 3 - 5 mô hình phát triển kinh tế, trong đó có nuôi ốc bươu. Theo các hộ nuôi ốc tại các xã Thành An, Phú Mỹ và Tân Phú Tây, ốc bươu đẻ quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa, từ tháng 6 - 11 hàng năm. Sau khi trứng nở, ốc con rơi xuống nước, vài ngày sau vỏ cứng dần và tự bò đi kiếm chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần.
“Bằng niềm đam mê, sự kiên trì, chịu khó nên các hội viên hội CCB đã thành công trong việc phát triển các mô hình kinh tế của gia đình mình. Riêng nuôi ốc bươu là mô hình mới. Ông Hồ Văn Mai được xem là người thành công trong thực hiện mô hình này tại địa phương. Thấy hiệu quả từ mô hình đem lại, một số hộ dân bắt đầu áp dụng, nhân rộng. Về phía hội, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về nguồn vốn thông qua mô hình “5+1” để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình này trong thời gian tới”.
(Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thành Ẩn)
|
Bài, ảnh: Phan Hân