
Cây mai vàng ở xã Hòa Lợi có triển vọng phát triển rất lớn.
Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lợi Trần Duy Khánh cho biết: Theo đánh giá của các nghệ nhân, vùng đất Hòa Lợi phù hợp cho việc trồng và phát triển cây mai vàng. Trên địa bàn đã có một số hộ trồng mai vàng lâu năm, xuất phát từ giá trị về tinh thần và kinh tế, một số hộ trồng mai ngoài phục vụ việc giải trí còn đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Song song với việc tổ chức các lớp tập huấn bonsai cây kiểng để hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc cây kiểng nói chung và mai vàng nói riêng, UBND xã đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động thành lập THT trồng mai vàng nhằm tập hợp những người đam mê, sở hữu nhiều mai và mai đẹp để phát triển cây mai vàng trên đất Hòa Lợi. Ngoài khuyến khích người dân tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng mai, THT còn ươm tạo cây giống để nhân rộng cho nhiều hộ trồng cây mai vàng, nhằm mở rộng diện tích và số lượng, hướng đến việc trao đổi, mua bán cây mai giống và cây mai có giá trị cao.
Tháng 2-2021, THT Mai vàng xã Hòa Lợi được thành lập, bước đầu có hơn 20 thành viên, đến nay tăng lên gần 30 thành viên. THT đã tạo hướng đi mới cho sự phát triển của cây mai vàng, góp phần tăng quy mô, tăng tính liên kết, tăng giá trị và phát huy tính hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân trồng mai trên địa bàn. Ông Lê Văn Hưởng - Tổ trưởng THT Mai vàng Hòa Lợi cho biết: “Hiện cây mai vàng trên địa bàn xã phát triển rất tốt, anh em quan tâm trong khâu chọn giống, cách trồng, chăm sóc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều thành viên tham gia THT. Hàng tháng, chúng tôi tổ chức sinh hoạt để rút kinh nghiệm, ví dụ như chăm sóc thế nào để cây mai phát triển tốt, cách phòng trừ sâu bệnh, chọn giống, kể cả từ lúc gieo hạt, lựa gốc, xem rễ...”.
Ông Hưởng cũng cho biết, đa phần các thành viên trong tổ đều cơ bản nắm vững các kỹ thuật từ ươm giống, cắt tỉa, chỉnh sửa cây mai; những ai chưa nắm được thì các thành viên trong tổ sẵn sàng hỗ trợ, góp ý để cho ra những sản phẩm đẹp, giá trị cao hơn. Nhờ học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau mà tay nghề của mọi người đều được nâng lên. Việc tổ chức sinh hoạt hàng tháng cũng tạo điều kiện để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, từ đó áp dụng vào việc chăm sóc vườn mai nhà mình, đồng thời có sự chia sẻ với nhau về thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều cây mai vàng được định giá từ 100 triệu, 200 triệu và đến trên 500 triệu đồng. Gần đây, ông Lê Văn Mộng, 46 tuổi, ở ấp Quí Thuận A, thành viên của THT đã bán cây mai vàng cho khách hàng ở tỉnh Đồng Nai với giá trên 500 triệu đồng. Nhiều thành viên trong THT cũng đã bán nhiều cây mai có giá trị khác.
Ông Phạm Văn Đấu, 56 tuổi, ở ấp Quý Bình, là người có thâm niên trong trồng mai vàng, nhờ nguồn thu từ cây mai vàng mà cuộc sống gia đình khá lên. Hiện ông Đấu đang sở hữu hàng trăm gốc mai lớn nhỏ. Nhờ nắm vững kỹ thuật từ khâu ươm giống đến thành phẩm nên ông có nhiều cây mai đẹp, có giá trị, được người chơi mai gần xa đánh giá cao. Ông Đấu chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng quanh nhà vài chục cây để chơi thôi, sau bán được hơn 700 triệu đồng, thấy lợi nhuận cũng cao nên tôi quyết định ươm thêm một số mai nữa để trồng, hiện tại tôi còn mai lớn và mai nhỏ khá nhiều”.
Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lợi Trần Duy Khánh cho biết: Xã đang xây dựng sản phẩm OCOP cho cây mai vàng để phát huy tính hiệu quả của THT, tạo thương hiệu cho cây mai vàng Hòa Lợi. Sắp tới, xã sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá trên mạng xã hội, chú trọng thông tin, giới thiệu cây mai vàng trên địa bàn xã để người có nhu cầu mua thì liên hệ.
Bài, ảnh: Văn Minh