Thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính để chủ động ứng phó. Ảnh: Nguyễn Diễm
Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, diện tích hoa màu bị ngập khoảng 37,02ha; diện tích vườn cây ăn trái bị ngập khoảng 6,85ha; diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng khoảng 0,52ha; thất thoát khoảng 1.700kg cá và một số ao, vuông bị vỡ bờ bao gây thiệt hại. Về cơ sở hạ tầng, 1,069km kè bị ảnh hưởng (xói lở phía đồng); 1,27km bờ bao khu vực sản xuất hoa màu bị ảnh hưởng.
Nhằm hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để hỗ trợ người dân xử lý, khắc phục các vị trí bờ bao bị xói lở không để nước tràn qua tiếp tục gây vỡ đê. Trong đó, lưu ý hỗ trợ các hộ dân có nhà bị ngập hoặc có nguy cơ bị ngập di dời, di chuyển tài sản, vật nuôi nhằm hạn chế thiệt hại…
* Dự báo tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tăng cao và xâm nhập sâu trong khoảng thời gian tháng 2 và tháng 3-2023. Cụ thể, độ mặn 1‰ có thể xâm nhập sâu nhất: Trên sông Cửa Đại đến xã An Khánh (Châu Thành) cách cửa sông từ 54 - 58km. Trên sông Hàm Luông đến xã Tiên Long (Châu Thành), xã Long Thới (Chợ Lách) cách cửa sông từ 64 - 68km. Trên sông Cổ Chiên đến xã Vĩnh Thành, Tân Thiềng (Chợ Lách) cách cửa sông từ 60 - 64km.
Độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu nhất: Trên sông Cửa Đại đến xã Quới Sơn, Tân Thạch (Châu Thành) cách cửa sông từ 45 - 49km. Trên sông Hàm Luông đến xã Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc), xã An Hiệp (Châu Thành) cách cửa sông từ 53 - 57km. Trên sông Cổ Chiên đến xã Thành Thới B, Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc) cách cửa sông từ 46 - 50km.
Nhằm tăng cường cảnh giác, đề phòng xâm nhập mặn sâu vào trong nội đồng gây ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị, các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; UBND các huyện, thành phố… chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới để có phương án ứng phó phù hợp, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và các đơn vị cấp nước sạch nông thôn thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động cấp nước, đảm bảo phục vụ người dân. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh duy trì công tác đo mặn hàng ngày tại các trạm đo, kịp thời cung cấp các bản tin về số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm, các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
UBND các huyện, thành phố duy trì công tác trực ban theo dõi tình hình thiên tai; có phương án bảo vệ sản xuất cụ thể đối với từng khu vực. Duy trì các điểm đo mặn tập trung để kịp thời khuyến cáo người dân lấy, trữ nước khi độ mặn ở mức cho phép và hướng dẫn mức độ chịu mặn đối với các loại cây trồng phổ biến để người dân lấy nước tưới cho phù hợp.
Cẩm Trúc - Trần Quốc