Tròn 1 năm sau thượng đỉnh lần đầu tiên, đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều chưa nhiều đột phá

12/06/2019 - 13:32

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau trước ống kính báo chí thế giới tại Singapore ngày 12-6-2018, họ đã cam kết thay đổi và thúc đẩy tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ và Triều Tiên vẫn bị mắc kẹt giữa những lời "trách móc", cáo buộc và đổ lỗi cho nhau kể từ sau cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên đó, ngay cả khi hai bên đã gặp lại nhau lần thứ hai ở Hà Nội hồi tháng 2-2019.

Tại Singapore năm ngoái, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đầu tiên được tổ chức giữa một Tổng thống Mỹ và một Chủ tịch Triều Tiên. Tại đây, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã ký Tuyên bố Chung, mà nhà lãnh đạo Mỹ ca ngợi là bước đột phá lịch sử. 

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore năm 2018. Ảnh: AFP

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore năm 2018. Ảnh: AFP

Sau thành công ngoài mong đợi ở Singapore, quá trình triển khai và thực hiện Tuyên bố Chung gặp một số khúc mắc. Dù vậy, Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục hướng tới những đột phá mới, mang theo hy vọng mới khi hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội.

Tuy nhiên, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Việt Nam hồi tháng 2 đã kết thúc đột ngột, thậm chí chương trình tiệc trưa chung cũng bị hủy sau khi hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận liên quan đến việc Triều Tiên sẽ dỡ bỏ những cơ sở hạt nhân nào để đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt. Đến nay, quá trình này vẫn bế tắc, trong khi các nhà phân tích nhận định rằng hai bên đang thực hiện những động thái cẩn trọng hơn. 

Hãng thông tấn AFP dẫn lời Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin ở Seoul cho rằng cuộc gặp ở Singapore kết thúc với hàng loạt hứa hẹn triển vọng song thực tế lại không diễn ra suôn sẻ như cam kết. 

Năm ngoái, Chủ tịch Kim Jong-un từng tuyên bố chấm dứt thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa trong bối cảnh quan hệ song phương nhanh chóng khởi sắc, mở đường cho hội nghị tại Singapore. 

Thế nhưng, từ sau cuộc gặp lần hai tại Hà Nội, Bình Nhưỡng đã cáo buộc Washington hành động “thiếu tin tưởng”, đồng thời cho nước này thời hạn đến cuối năm để thay đổi cách tiếp cận. Và cuối tháng trước, Triều Tiên đã thử các vũ khí tầm ngắn lần đầu tiên kể từ tháng 11-2017. 

"Chúng ta đã đi từ tinh thần hy vọng và lạc quan đến tình trạng mơ hồ”, chuyên gia Harry Kazianis tại trung tâm cố vấn chiến lược Center for the National Interest (Mỹ) nhận xét.

“Nhượng bộ ngoại giao và quân sự”

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28-2-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28-2-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ rằng hai bên không liên lạc trực tiếp kể từ sau cuộc gặp tại Hà Nội. Bình Nhưỡng dường như đã có chút thất vọng trước cách tiếp cận của Washington, khẳng định Mỹ cần phải thay đổi lập trường nếu muốn đàm phán tiếp triển.

Triều Tiên sử dụng truyền thông nhà nước yêu cầu Tổng thống Trump phải thay đổi hai quan chức hàng đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, cùng với lời cảnh báo về “một hướng đi mới” nếu Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép. 

Hai nhà lãnh đạo đến Hà Nội với cách tiếp cận khá khác biệt. Washington muốn một thỏa thuận “toàn diện cho cả đôi bên” trong khi Bình Nhưỡng tìm kiếm một tiến trình “từng bước một”. Họ không ngừng đổ lỗi cho nhau khi không đạt sự đồng thuận. 

Washington cáo buộc Bình Nhưỡng đòi hỏi dỡ bỏ toàn bộ cấm vận để giải giáp hạt nhân một phần, trong khi Triều Tiên khẳng định nước này chỉ yêu cầu dỡ bỏ một vài lệnh trừng phạt để đổi lấy việc đóng cửa toàn bộ cơ sở sản xuất hạt nhân tại khu tổ hợp Yongbyon. 

Chuyên gia Kazianis nói: “Thế bí hiện nay chắc chắn sẽ kéo dài trừ khi hai bên có thể hiểu được vì sao điều này xảy ra ngay từ đầu”. Theo ông, tại Hà Nội, về bản chất Mỹ đã yêu cầu “một sự nhượng bộ ngoại giao và quân sự chưa từng có” từ Bình Nhưỡng nhưng lại nói rằng Bình Nhưỡng không nên trông chờ “các biện pháp trừng phạt khắc khổ nhất” được dỡ bỏ chỉ bằng việc đóng cửa cơ sở Yongbyon. 

Tổ chức phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group dự đoán hai nhà lãnh đạo sẽ kéo dài tình trạng đình trệ hiện nay để “ngăn chặn thỏa thuận Singapore bị đổ bể”. Tổ chức này cho rằng có khả năng hội nghị thượng đỉnh lần ba sẽ diễn ra trong năm nay. 

“Chiến thuật khiêu khích”

Giới chức tại Washington cho biết họ đã đề xuất đàm phán cấp chuyên viên với Bình Nhưỡng nhưng không lên kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao khác cho đến khi họ nhất trí về một thỏa thuận chung. Và với việc Tổng thống Trump tuyên bố ông “không vội vàng” phi hạt nhân hóa Triều Tiên, giới quan sát đánh giá hành động tiếp theo hiện nay phụ thuộc vào Bình Nhưỡng – ngay cả khi Bình Nhưỡng khẳng định khác. 

Ông chủ Nhà Trắng bác bỏ lo ngại về những vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, nhắc lại niềm tin của ông đối với Chủ tịch Kim Jong-un.

Nhà phân tích Go Myong-hyun tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan khẳng định với những biện pháp cấm vận vẫn còn hiệu lực, Mỹ sẽ gây sức ép lên Triều Tiên để yêu cầu nhượng bộ. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng dường như chọn “chiến thuật truyền thống”. 

Các vụ phóng tên lửa chính là “lời nhắc nhở nhẹ nhàng với ông Donald Trump về sự tồn tại của Triều Tiên cũng như họ vẫn sẵn sàng để đàm phán”, theo ông Lankov. Triều Tiên sẽ nối lại hoạt động thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ không mềm dẻo chấp thuận đưa ra các nhượng bộ.

Chuyên gia tại Đại học Kookmin cảnh báo rằng ngay cả khi hai nhà lãnh đạo này ngồi vào bàn đàm phán lần thứ ba, bất kỳ sự thỏa hiệp nào cũng sẽ “rất khó để đàm phán”. Ông cho rằng: “Người Mỹ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân còn người Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân”. 

Nguồn: baotintuc.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN