Đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống kê khó khăn tại các tỉnh trong vận chuyển hàng nông nghiệp, cụ thể, một số chốt hiện vẫn cho xe quay đầu dù có mã code “luồng xanh”; chỉ cấp giấy cho 2 người trong một doanh nghiệp để thực hiện vận chuyển hàng hóa; một số tỉnh không cho xe dừng đỗ trên địa bàn tỉnh; bắt buộc thay đổi phụ xe, lái xe khi vào địa bàn tỉnh (đối với những lái xe đi từ tỉnh vùng dịch); các tỉnh có hiện tượng không công nhận giấy (giấy đi đường) của nhau; đặt ra nhiều quy định riêng như phải test nhiều lần, giấy xét nghiệm âm tính hiệu lực không quá 48 giờ (thay vì quy định chung là 72 giờ)…
Thứ tưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay: Số lượng hàng hóa đang ứ đọng, nếu lưu thông hàng hóa không được tháo gỡ sẽ dẫn tới thiếu vật tư nông nghiệp cho vụ mùa sản xuất sắp tới.
Vụ Thị trường trong nước đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hiện cần phải nhìn nhận hàng nào cũng là hàng hóa thiết yếu, trong khi đó giấy tờ đi qua các địa phương lại không thống nhất, gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa, Vụ đã kiến nghị 8 nội dung nhằm tháo gỡ những vướng mắc.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể kết luận: Để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tất cả hàng hóa đều là hàng thiết yếu quan trọng. Đề nghị các địa phương rà soát lại các văn bản gây khó khăn, phát sinh kinh phí cho người dân (như trung chuyển hàng hóa trên xe) thì phải điều chỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Không để ùn tắc giao thông ở bất cứ vị trí nào. Chấp nhận kết quả kiểm tra Covid-19 của các địa phương, ưu tiên tiêm vắc-xin cho các lái xe. Thời gian cấp mã QR code “luồng xanh” khai báo xong là cấp mã luôn, tối đa 12 giờ, chứ không phải 24 giờ.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh, đến ngày 24-8-2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải đường bộ cho khoảng 410.000 xe.
Tin, ảnh: T. Thảo