Trung-Nga đẩy mạnh xây dựng tuyến đường khí đốt mới

07/11/2023 - 05:17

Đường ống khí đốt tự nhiên Viễn Đông ước tính có công suất lên tới 10 tỷ mét khối/năm.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga). Ảnh: ITAR-TASS/TTXVN

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga). Ảnh: ITAR-TASS/TTXVN

Phó Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) Xie Jun tiết lộ đối tác là công ty năng lượng Nga Gazprom đang đẩy nhanh việc triển khai nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Viễn Đông.

Tuyến đường dẫn khí đốt Viễn Đông dự tính cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Trung Quốc từ thềm lục địa ngoài khơi đảo Sakhalin.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Khí đốt Quốc tế St. Petersburg, ông Xie Jun cho biết: “Công ty chúng tôi và Gazprom đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác năng lượng chặt chẽ hơn và đẩy nhanh một cách có hệ thống việc thực hiện dự án cung cấp khí đốt dọc theo tuyến đường Viễn Đông”.

Hồi tháng 2, Moskva và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua dự án đường ống Viễn Đông. Dự án bao gồm việc xây dựng một đoạn ống dẫn dầu xuyên biên giới qua sông Ussuri giữa đường ống đã hoạt động của Nga và thành phố Hulin của Trung Quốc. Sau khi đạt hết công suất, tuyến đường này sẽ cho phép vận chuyển 10 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống của Nga tới Trung Quốc hàng năm.

Nga hiện cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia theo thỏa thuận song phương 30 năm. Kế hoạch vận chuyển dầu bắt đầu vào năm 2019 và đường ống dự kiến đạt công suất hoạt động tối đa là 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hàng năm vào năm 2025.

Tập đoàn Gazprom cũng đang đánh giá khả năng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 2 đi qua Mông Cổ. Đường ống dự kiến cho phép vận chuyển tới 50 tỷ m3 khí đốt/năm và kế hoạch sẽ bắt đầu vào năm 2024. Một khi tất cả các đường ống đi vào hoạt động đầy đủ, khối lượng cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc có thể lên tới gần 100 tỷ m3/năm.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN