Trung Quốc đang là thị trường trọng điểm và đối tác thương mại của Việt Nam

29/09/2009 - 08:23
Đóng thùng bưởi da xanh Bến Tre để xuất khẩu. Ảnh: H.H

Ngày 25-9-2009, tại nhà khách Hùng Vương, Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại Bến Tre tổ chức Hội thảo đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Có 140 đại biểu là đại diện lãnh đạo và doanh nghiệp của nhiều tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham dự.

Từ năm 1991 đến nay, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng nhanh. Kim ngạch mậu dịch song phương tăng từ mức 37,7 triệu USD (năm 1991) lên 20,188 tỷ USD (năm 2008). Kể từ năm 2004, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2006-2008 tăng bình quân 16%/năm. Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 4,536 tỷ USD, trở thành bạn hàng xuất khẩu lớn thứ ba (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản). Nhóm hàng nông-lâm-hải sản được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc giai đoạn 2006-2008 tăng bình quân 32,6%/năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,652 tỷ USD. Trung Quốc trở thành thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất, từ 200 triệu USD (năm 2001) tăng lên 11,1 tỷ USD (năm 2008). Tình hình mua bán ở biên giới giữa hai nước cũng không ngừng phát triển. Kim ngạch buôn bán qua 7 tỉnh biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2008 đạt 6,505 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30% trong tổng kim ngạch hai nước.
Mối quan hệ thương mại Việt Trung góp phần vào việc phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân tại các tỉnh biên giới hai nước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại là việc triển khai các hiệp định đã ký quy định về kiểm dịch, kiểm nghiệm động vật, thực vật chậm; cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu bất hợp lý, chưa có sự kiểm dịch tích cực; buôn bán biên giới không ổn định và thiếu lành mạnh. Tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả trên toàn tuyến biên giới diễn ra khá nhiều.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Ngọc Chương- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một thị trường trọng điểm và đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Dự kiến năm 2009, kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt khoảng 21,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 5 tỷ USD; năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai nước đạt 25 tỷ UDS, trong đó xuất khẩu đạt 6,4 tỷ USD. Việt Nam có nhiều nhóm hàng có lợi thế thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, cụ thể như: cao su, hoa quả  nhiệt đới, các loại đồ uống, thủy hải…
Để đưa hàng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, đối với mặt hàng chủ lực thuộc nhóm hàng nông sản, các doanh nghiệp phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kho tàng, nhà xưởng, cơ sở vật chất; hợp đồng thu mua nông sản ổn định, đầu tư xây dựng công nghệ sản xuất, chế biến, quảng bá và đăng ký thương hiệu, có chiến lược thâm nhập và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, hội thảo còn chỉ rõ cách tiếp cận thị trường, xây dựng mối quan hệ bạn hàng, thẩm tra lý lịch thương nhân, những lưu ý  khi ký kết hợp đồng và điều khoản thanh toán…

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN