
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ (NSA) Ajit Doval tại cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 19-12-2024. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Chiến lược áp thuế đối ứng cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump với mức thuế trừng phạt lên đến 125% đối với hàng hóa Trung Quốc đang định hình lại bàn cờ địa chính trị và thương mại toàn cầu.
Một trong những chuyển động bất ngờ nhất là việc Trung Quốc - trong thế bị cô lập - chủ động mở cửa tiếp cận Ấn Độ, quốc gia từng được xem là đối thủ truyền thống cả về chiến lược lẫn kinh tế.
Trong một loạt phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với Ấn Độ, ví von sự gắn kết giữa hai cường quốc châu Á này như một “điệu múa rồng-voi,” tượng trưng cho sự hòa hợp và sức mạnh tương hỗ.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới bị phân cực bởi các chính sách đơn phương và bảo hộ, sự hợp tác giữa hai nền kinh tế đang phát triển lớn nhất toàn cầu này là điều tất yếu để bảo vệ lợi ích của các quốc gia thuộc Nam Bán cầu.
Không dừng ở lời nói, Bắc Kinh đã đưa ra những cam kết cụ thể: Từ việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa Ấn Độ, đến mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp Ấn Độ thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc-một tín hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang thực sự muốn “phá băng” quan hệ hai nước.
Về phía Ấn Độ, tình thế không kém phần phức tạp. Dù gắn bó chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực thương mại, song New Delhi đang bắt đầu cảm nhận sức ép từ các chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump, vốn đã nhắm đến một số mặt hàng xuất khẩu chiến lược như dược phẩm, thủy sản, thép và phụ tùng ôtô.
Dù ông Trump từng chỉ trích Ấn Độ là “quốc gia lạm dụng thuế quan,” song mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Thủ tướng Narendra Modi đã giúp Ấn Độ phần nào tránh được các đòn thuế nặng nề khi chỉ phải chịu mức thuế 26%, cộng thêm thuế cơ bản 10%, vẫn thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan hay Bangladesh.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, bà Yu Jing, nhấn mạnh trong một tuyên bố trên nền tảng X: “Không có ai là người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại.”
Bà kêu gọi các quốc gia từ bỏ chủ nghĩa đơn phương, cùng nhau bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên nền tảng đa phương, đồng thời nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc-quốc gia đóng góp gần 30% giá trị tăng trưởng kinh tế thế giới mỗi năm.
Mặc dù New Delhi chưa có phản hồi chính thức, song Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho rằng quan hệ với Trung Quốc đang “chuyển hướng tích cực,” đặc biệt sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng lâu nay do tranh chấp biên giới và thâm hụt thương mại.
Cục diện hiện tại cho thấy thế giới đang bước vào một giai đoạn tái cấu trúc liên minh toàn cầu - nơi những quốc gia từng là đối trọng giờ buộc phải tìm điểm chung để sinh tồn giữa làn sóng bảo hộ và bất ổn địa chính trị.
Trung Quốc và Ấn Độ có thể sắp mở ra một chương mới, trong đó đối thoại và lợi ích chung, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, sẽ tạm thời lấn át xung đột lịch sử.
Nguồn: Vietnam+