Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh - Chiếc phao cho những phận người...

19/09/2013 - 15:48
Bệnh nhân Trần Thanh L. (phải) đang đánh cờ tướng với bác sĩ Bá Ngưu.

Bài 2: Bác sĩ và bệnh nhân đều... gặp khó

Dẫu còn vô vàn khó khăn cả về cơ sở vật chất và nhân sự, nhưng Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh vẫn đang ra sức làm tốt chức năng của mình.

Bài 1: Ấm áp tình người

Trong tình hình khó khăn chung của tỉnh, nhiều đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, Trung tâm Bảo trợ người tâm thần tỉnh (Trung tâm) là một trong số đó. Nhưng do tính chất công việc khá vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nên đòi hỏi cán bộ, nhân viên phải nỗ lực nhiều hơn. Bác sĩ Trần Văn Long - Giám đốc Trung tâm bày tỏ, mặc dù chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm còn nhiều hạn chế (như không có chế độ phụ cấp, ưu đãi nghề...) nhưng tất cả đều luôn hết lòng với công việc. Chúng tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tốt hơn.

Trung tâm cũng đang trong tình trạng thiếu người. Dù rằng, đã được tăng cường thêm 2 bác sĩ (tổng cộng hiện có 3 bác sĩ, 9 y sĩ, 12 điều dưỡng) nhưng do số lượng bệnh nhân khá đông (153 bệnh) mà phần lớn đều là bệnh nặng nên công tác chăm sóc còn nhiều khó khăn. Chế độ dành cho bệnh nhân cũng còn rất... khiêm tốn. Hiện, Nhà nước cấp 540 ngàn đồng/người bệnh/tháng; như vậy, bình quân tiền ăn của bệnh nhân ở đây chưa đến 20 ngàn đồng/ngày, chưa kể sinh hoạt phí (quần áo, xà phòng...). Trung tâm đã kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị lên UBND tỉnh để xin hỗ trợ thêm tiền ăn cho bệnh nhân. Ngoài kinh phí Nhà nước cấp cho bệnh nhân thì thỉnh thoảng, Trung tâm cũng có nhận phần tài trợ từ các đoàn từ thiện như: gạo, mì tôm, tổ chức nấu các bữa ăn...

Vẫn lo “cứu người”

Ban Giám đốc Trung tâm đã không “bó gối” mà đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Long, bệnh nhân TT phải điều trị, uống thuốc suốt đời, nhưng thuốc uống lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận nội tạng (gan, thận...) nên Trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền áp dụng châm cứu hỗ trợ trong quá trình điều trị. Trung tâm cũng vừa trưng dụng, sửa chữa một gian phòng để đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền chuyển giao kỹ thuật cho nhân viên Trung tâm. Trước đây, Trung tâm cũng đã từng áp dụng kết hợp châm cứu trong điều trị cho bệnh nhân TT nhưng phải chở bệnh nhân ra tận Bệnh viện Y học cổ truyền. Khi đưa vào sử dụng Phòng châm cứu (dự kiến vào tháng 10-2013), thì Trung tâm sẽ thuận tiện hơn trong việc điều trị tại chỗ cho các bệnh nhân.

Để việc điều trị có kết quả cao hơn, đội ngũ chăm sóc tại đây còn tạo môi trường tinh thần vui tươi cho bệnh nhân. Cán bộ, nhân viên Trung tâm cùng bệnh nhân (đã khỏe nhiều) làm cỏ, trồng rau, đánh cờ tướng, chơi thể thao; thường xuyên trò chuyện, thăm hỏi bệnh nhân, đóng vai trò là người thân của bệnh nhân để chăm sóc họ, giúp họ giảm bớt tình trạng ức chế về tinh thần. Vào mỗi chiều cuối tuần, các bệnh nhân được tập trung nghe nhạc karaoke... Theo bác sĩ Nguyễn Bá Ngưu, tạo sự gần gũi với bệnh nhân (trong giới hạn cho phép), cho bệnh nhân giao tiếp, trò chuyện cũng góp phần làm cho tinh thần bệnh nhân ổn định hơn. Đặc biệt, từ năm 2012, Trung tâm Bảo trợ của các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ đã thống nhất luân phiên tổ chức phong trào văn nghệ - thể thao vào dịp lễ 30-4 hàng năm (gồm bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng, nhảy bao bố, ca hát…). Năm 2014, sẽ đến lượt Trung tâm Bến Tre đăng cai tổ chức.

Hạnh phúc khi bệnh nhân... biết mình là ai

Với sự nỗ lực chăm sóc của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm, nhiều bệnh nhân đã tiến triển tốt sau thời gian được điều trị và chăm sóc.

Bệnh nhân Trần Thanh L. (ngoài 50 tuổi) là một điển hình. Ông từng là giáo viên dạy Toán của huyện Giồng Trôm, phát bệnh và được đưa vào Trung tâm điều trị được 2 năm. Từ một người bệnh nặng, nay bệnh tình của ông đã thuyên giảm rất nhiều, đặc biệt, ông rất có khiếu đánh cờ tướng. Thời gian này, cứ mỗi chiều chiều, ông lại mời gọi cán bộ, nhân viên Trung tâm ra đánh cờ và điều đáng nói là… ông thường là người thắng cuộc. Ông đã được Trung tâm đưa đi tham gia thi đấu cờ tướng tại các mùa giải do các Trung tâm Tiền Giang, Long An tổ chức và cả hai lần thi đấu, ông đều đạt giải nhất. Chúng tôi hỏi: “Năm nay, ông tham gia thi đấu nữa không?”. Vừa đánh cờ với cán bộ Trung tâm, ông vừa đáp, đầy vẻ... tự tin: “Thi chứ, sao lại không thi?!”. Mọi người cùng ồ lên cười vui vẻ với thái độ “tự tin” của ông. Và tất nhiên, mọi người cũng cảm thấy vui vì hiểu rằng, tình trạng sức khỏe của ông đã tốt dần lên.

Kết lại một lời, chúng tôi thiết nghĩ: Rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền và sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, để cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa. 

“Có những bệnh nhân lúc mới vào thì không biết gì, nhưng sau thời gian điều trị, dần dần nhớ được tên, tuổi của mình, gia đình mình và có thể trò chuyện khá tỉnh táo với đội ngũ chăm sóc. Đó là những lúc trong lòng chúng tôi vui nhất, chúng tôi làm tất cả cũng chỉ mong như thế”.

(Bác sĩ Bá Ngưu chia sẻ) 

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN