Truyền thông tư vấn tại hộ để nâng cao chất lượng dân số

06/09/2012 - 15:06
Tư vấn tại hộ gia đình về làm mẹ an toàn. Ảnh: CTV

Truyền thông tư vấn sức khỏe sinh sản, tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn duy trì mức sinh hợp lý nhằm nâng cao chất lượng dân số (DS), thực hiện thành công Chiến lược Dân số - sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2015. 

Hiện nay, công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) luôn được các trung tâm DS chú trọng thực hiện từ cơ sở. Trong truyền thông, cộng tác viên (CTV) thường chú trọng các hình thức như truyền thông tại hộ gia đình, truyền thông lồng ghép với sinh hoạt tập thể và truyền thông theo nhóm. Tuy nhiên, thành công hơn cả vẫn là mô hình truyền thông tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình mà Chợ Lách là một trong những huyện đi đầu về mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Đẳng - Giám đốc Trung tâm DS huyện cho biết, hiện nay, huyện đã đạt trên 90% chỉ tiêu mà Chi cục DS tỉnh giao và có khả năng đến đầu tháng 11-2012, Trung tâm sẽ hoàn thành kế hoạch năm (trước thời hạn). Theo ông Đẳng, để công tác truyền thông có hiệu quả, ngay từ đầu năm, CTV ở các xã đã quản lý địa bàn của mình và nắm rõ từng đối tượng. Sau đó, CTV lập danh sách những đối tượng cần tư vấn như: trẻ vị thành niên, thanh niên, những cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai. Từ đây, CTV sẽ xây dựng kế hoạch vận động chi tiết từ ngày, giờ đến tháng. Khi đã có kế hoạch, CTV sẽ họp giao ban với cán bộ chuyên trách DS của xã cũng như Trung tâm DS huyện để thông qua kế hoạch và bắt đầu thực hiện công tác truyền thông tư vấn. Điều đặc biệt là CTV luôn tư vấn riêng từng đối tượng, với những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có gia đình lâu nhưng không sinh con hoặc đã có 1 con nhưng không sinh nữa thì CTV sẽ đến tư vấn vận động sinh con để đảm bảo các cặp vợ chồng và những phụ nữ phải có đủ số con và đảm bảo mức sinh thay thế. CTV hướng dẫn họ cách thực hiện và lợi ích của việc giãn khoảng cách khi sinh. Vì giãn khoảng cách khi sinh là việc làm hiệu quả thiết thực trong nuôi dạy con cái, ổn định kinh tế gia đình và đây được xem là mô hình có hiệu quả nâng cao chất lượng DS hiện nay. Đối với trẻ vị thành niên, thanh niên thì tư vấn để đối tượng thấy việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là lợi ích thiết thực của bản thân và từ đó các em trực tiếp tham gia trong những lần tư vấn sau. Phụ nữ mang thai tư vấn để khám thai đúng định kỳ, làm mẹ an toàn và khi đã sinh từ 6 tháng trở lên, CTV sẽ trực tiếp truyền thông tư vấn KHHGĐ để kéo giãn khoảng cách sinh con. Đây được xem là hoạt động giúp ích rất nhiều cho những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Ngoài ra, CTV tại cơ sở cũng rất chú trọng đến việc truyền thông về thực trạng giới tính tại địa bàn mình phụ trách, qua đó phát huy lợi thế của cơ cấu DS vàng và chăm sóc người cao tuổi. Khi tư vấn tại hộ gia đình, CTV sẽ cung cấp thông tin, số liệu về DS trong độ tuổi lao động tại địa phương, tình hình biến động của dân cư, dự báo DS bước vào tuổi lao động cho những năm tiếp theo. Sau các bước triển khai, lực lượng CTV sẽ tập trung truyền thông về lợi ích của KHHGĐ, hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, giúp các cặp vợ chồng thấy lợi ích của việc sinh con đúng tuổi, giãn khoảng cách giữa 2 lần sinh. Sinh nhiều, sinh dày, sinh sớm hoặc sinh muộn đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bà mẹ, và tâm sinh lý trẻ sau này.

Điểm nổi bật của Trung tâm DS huyện Chợ Lách là quản lý CTV và cán bộ chuyên trách ở cơ sở bằng mô hình nhánh có ảnh minh họa và đầy đủ thông tin cá nhân nên rất thuận tiện trong việc nắm thông tin phản hồi từ cơ sở. Mặt khác, khi bố trí CTV ngoài công tác chuyên môn còn kiêm thêm công tác đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân hoặc tổ trưởng tổ NDTQ, bí thư chi bộ ấp hay tình nguyện viên sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, một CTV làm được rất nhiều việc. Đây là điều kiện thuận lợi để gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như tâm lý của đối tượng cần tư vấn. Theo ông Nguyễn Văn Đẳng, hiện nay, toàn huyện có 258 CTV, cán bộ chuyên trách (mỗi xã một người), tất cả đều hoạt động rất ổn định,  mỗi tháng CTV đến thăm hộ gia đình 1 đến 2 lần. Trung tâm quản lý mọi dữ liệu bằng công nghệ thông tin, nhờ đó nắm chính xác nhiều số liệu từ cơ sở gởi lên.

Ông Nguyễn Văn Đẳng nhấn mạnh, từ năm 2008, khi Trung tâm DS tách riêng và hoạt động độc lập thì nhiều năm liền luôn là đơn vị dẫn đầu và thực hiện có hiệu quả về DS. Năm 2009, Trung tâm nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc. Năm 2011, nhận bằng khen của Bộ Y tế và là đơn vị xuất sắc được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN