Niềm tin yêu của đảng
bộ, nhân dân
Sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 không bao lâu,
đêm 22 rạng 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Đầu tháng 2-1946,
quân Pháp đã đặt chân đến Bến Tre. Do thời kỳ đầu kháng chiến, lực lượng, vũ
khí, trang bị đều thiếu, trong khi quân xâm lược được trang bị tàu to, súng lớn
và máy bay yểm trợ, nên các mặt trận chiến đấu của tỉnh lần lượt bị vỡ. Địch
chiếm được thị xã Bến Tre vào lúc 9 giờ ngày 8-2-1946.
Trước tình hình khó khăn, ác liệt, các cơ quan lãnh đạo
của tỉnh và LLVT ta rút về vùng căn cứ để củng cố lực lượng, xây dựng thế
trận đánh trả, tiêu hao sinh lực địch; nhân dân thì thực hiện “vườn không - nhà
trống” không để giặc Pháp chiếm đóng, đồng thời động viên con em xung phong
tham gia kháng chiến.
Chỉ sau 4 ngày giặc tạm chiếm, ngày 12-2-1946, tại chợ
Hương Điểm (xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm), Đội du kích Tân Hào được thành lập
gồm 36 người. Lúc đầu, đơn vị chỉ có 4 súng lửa, một ít lựu đạn do công binh xưởng
cung cấp, còn lại là mã tấu, gậy gộc; quần áo đơn sơ do cá nhân mang theo từ
gia đình; mùng màn chỉ là chiếc nóp; ăn uống, sinh hoạt hằng ngày do nhân dân
đóng góp, giúp đỡ. Đặc biệt, một số gia đình giàu có nhiệt tình ủng hộ tiền bạc,
lương thực, thực phẩm nuôi quân kháng chiến. Sau khi thành lập, Đội du kích Tân
Hào đi vào chiến đấu ngay. Đánh trận đầu thắng lợi giòn giã tại chợ Hương Điểm,
đã tập kích tiêu diệt gần 1 trung đội lính lê dương, 4 ngày sau phục kích tiêu
diệt tiếp một toán lính, thu được 2 khẩu súng trường. Hai tháng sau, đơn vị tiếp
tục phục kích tại Giồng Chủ (Tân Hào) diệt gọn 1 tiểu đội ngụy thu 8 súng trường…
Những trận đánh sau đó cũng giành thắng lợi to lớn, thu được nhiều vũ khí, có cả
trung liên, đại liên… đưa Đội du kích Tân Hào trưởng thành nhanh chóng, chiến
thắng vẻ vang.
Đội du kích Tân Hào dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của ông Đồng
Văn Cống tạo được niềm tin, nhiều thanh niên trong xã và các xã lân cận xung
phong gia nhập LLVT. Nhân dân cảm kích tinh thần chiến đấu dũng cảm của Đội du
kích Tân Hào và đặt tên gọi thân thương là “Bộ đội ông Cống”. Dũng cảm, gan dạ,
khôn khéo trong chiến đấu; với sở trường lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn,
giành thắng lợi liên tiếp, Bộ đội ông Cống đã làm cho giặc khiếp sợ.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu của Đội du
kích Tân Hào, Huyện ủy Giồng Trôm quyết định rút đơn vị lên xây dựng trung đội
vũ trang đầu tiên của huyện và đồng chí Đồng Văn Cống được giao nhiệm vụ trung
đội trưởng. Cũng từ đây, đơn vị vũ trang đầu tiên của huyện nhanh chóng trưởng
thành, tập hợp lực lượng, huấn luyện chiến đấu làm nòng cốt để Chi đội 19 ra đời,
rồi đến Trung đoàn 99 và các đơn vị vũ trang của tỉnh sau này. Chúng ta có thể
tự hào rằng, ngay từ ngày đầu thành lập, LLVT Bến Tre đã chiến đấu và chiến thắng
vẻ vang.
Những bài học còn
nguyên giá trị
Tinh thần yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc. Nếu
không có 2 yếu tố này thì ông Cống không thể từ bỏ cuộc sống giàu sang, phú
quý của gia đình ông hương, ông quản thời phong kiến (1945) để đi làm cách mạng,
huy động, tập hợp những nông dân nghèo “rớt mồng tơi” thành đội du kích anh
dũng chiến đấu chống lại bọn cường hào, ác bá ở địa phương. Đó là tinh thần yêu
nước, yêu giai cấp nông dân, không “tham phú, phụ bần” của người chiến sĩ cách
mạng và đó cũng là đạo đức của người cầm quân, là phẩm chất của một vị tướng
sau này. “Cần tinh” chứ không “cần vinh”, chính vì lẽ đó mà đội trưởng Đồng Văn
Cống đã tập hợp được đông đảo lực lượng, hình thành đội vũ trang đầu tiên của tỉnh
và nhanh chóng trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng.
Dũng cảm, gan dạ, khôn khéo trong chiến đấu. Khi trong
tay chưa có vũ khí đầy đủ, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường,
dũng cảm, ông Đồng Văn Cống và Đội du kích Tân Hào đã anh dũng chiến đấu với kẻ
thù trong khi đơn vị chỉ có mấy cây súng lửa, mấy khẩu súng trường - chiến lợi
phẩm thu được sau những trận đánh Tây, diệt đồn. Còn địch được trang bị nhiều
loại vũ khí tối tân, lực lượng hùng hậu, khét tiếng ác ôn. Ông Đồng Văn Cống đã
nhanh chóng tổ chức lại lực lượng và chủ động khiêu khích, buộc địch phải nổ
súng vào trận.
Dù chưa có vũ khí, trang bị nhưng với lòng dũng cảm và ý
chí căm thù giặc sâu sắc đã thôi thúc đội du kích Tân Hào đứng lên chiến đấu,
“lấy vũ khí địch để đánh địch”. Trong chiến đấu, bao giờ ông Cống cũng giành phần
khó về mình, nhường phần thuận lợi cho đồng chí, đồng đội. Những lúc chiến đấu,
ông luôn xung phong đi đầu, biết sử dụng lợi thế của địa hình, địa vật, tìm vị
trí che chắn nhưng dễ quan sát, phát hiện hành động của địch để kịp thời xử lý
tình huống, biết dụ địch để đưa chúng vào thế bị động, tạo thế chủ động cho ta
giành chiến thắng.
Biết dựa vào dân để xây dựng lực lượng, chiến đấu và chiến
thắng. Du kích Tân Hào đã sớm nhận ra mối quan hệ “quân dân - cá nước” nên ngay
từ ngày đầu thành lập đã chiêu mộ những đội viên đều là con em nông dân chất
phác, hiền lành, có lòng yêu nước nồng nàn, cần cù, chịu thương, chịu khó và thề
quyết chiến, quyết thắng cho Tổ quốc quyết sinh, chiến đấu vì cuộc sống bình
yên, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì lẽ đó mà ngay khi mới thành lập, đơn vị đã
được nhân dân cưu mang, đùm bọc, được những gia đình giàu có hỗ trợ lương thực,
thực phẩm để đơn vị an tâm huấn luyện chiến đấu và chiến thắng. Mặc dù sống
“trong dân” nhưng đơn vị luôn giữ nghiêm kỷ luật quân - dân, hết lòng kính trọng,
yêu mến, giúp đỡ và tri ân nhân dân, không vay mượn hay lấy của dân bất cứ thứ
gì, dù là thứ nhỏ nhất. Đó là tôn chỉ, mục đích của Đội du kích Tân Hào năm xưa
và vẫn còn nguyên giá trị đối với LLVT hôm nay.
Lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều. Qua mỗi trận
đánh, dù nhỏ hay lớn nhưng Đội du kích Tân Hào vẫn đúc kết được những
kinh nghiệm quý báu để “chỉnh huấn” cho toàn đơn vị.
Dù tình hình có khó khăn thế nào, tương quan lực
lượng lớn hay nhỏ, nhưng ông Đồng Văn Cống đã chỉ huy lực lượng
“quyết đánh là đánh” và “đánh là quyết thắng”, bởi ông có tinh thần
dũng cảm, ý chí kiên cường, lòng quyết tâm chiến đấu rất cao, mưu trí,
sáng tạo trong tác chiến, nắm rõ địch tình, lượng được sức ta, biết vận dụng thế
mạnh của mình và khai thác điểm yếu của địch, chọn đúng thời cơ để nổ súng xung
phong tiêu diệt địch và biết tiến, biết thoái để bảo toàn lực lượng. Đặc biệt,
ông có một nghệ thuật “truyền lửa” cho bộ đội rất giỏi nên dù gian
khổ thế nào, đều được đơn vị khắc phục triệt để, giành thắng lợi vẻ vang.
Phát huy truyền thống
anh hùng
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Bến Tre hôm nay tiếp tục giữ gìn,
phát huy những thành quả mà cha ông đã xây dựng suốt 70 năm qua, luôn đoàn kết,
thống nhất, vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
quân sự - quốc phòng địa phương năm 2016 và những năm tiếp theo.
Thực hiện thực chất, có chiều sâu Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy
mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào thi đua
yêu nước, thi đua “Đồng khởi mới” sát hợp với phương châm Đại hội X của Đảng bộ
tỉnh “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới” và phong trào thi đua
Quyết thắng, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng
danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội. Lấy nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng
lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và mọi mặt LLVT làm cơ sở để thực hiện và hoàn
thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng ủy
Quân sự.
Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện
có hiệu quả Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị và Nghị định số 152 của Chính phủ
về xây dựng khu vực phòng thủ, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược
bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể
xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, làm thất bại âm mưu chiến lược “Diễn biến
hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; xây dựng LLVT Bến Tre vững
mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ Quân sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là lực
lượng nòng cốt, tin cậy, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến
Tre trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho gia đình cố Trung tướng Đồng Văn
Cống.Ảnh: Kim Loan