 |
Rèn chữ, luyện người là mục tiêu của giáo dục. |
Ngành Giáo dục và Đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2012-2013, khen thưởng 7 lĩnh vực công tác và nhận được thư biểu dương của Bí thư Tỉnh ủy.
Năm học qua, thành tựu nổi bật của ngành là nâng cao chất lượng giáo dục, là bước chuyển căn bản nhằm tạo bước đệm vững chắc để thực hiện Kết luận 51 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Cùng với sự đổi mới của ngành, năm qua cảnh quan sư phạm của các trường được cải thiện. Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Học sinh tích cực trong học tập và rèn luyện, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,19%, hệ giáo dục thường xuyên đạt 84,59%. Kỳ thi đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp có 3.683 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, tăng 693 học sinh trúng tuyển so với cùng thời điểm năm 2012. Chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn tiếp tục được củng cố và phát triển. Thành quả phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì và phát triển, nhất là phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học được kéo giảm so với năm học trước. Trong năm học qua, có 24 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, tăng hơn năm học trước 6 giải, tiếp tục dẫn đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực sự mỗi ngày trẻ đến trường là một niềm vui.
Ngành đã thực hiện phương pháp dạy học phân hóa. Tùy vào đối tượng mà người thầy lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp. Đối với học sinh có học lực trung bình, yếu thì hoạt động thường xuyên là giảng - luyện - ôn các kiến thức đã được tinh giản, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng. Bởi lẽ, chọn cách thức càng đơn giản, thì càng giúp các em dễ lĩnh hội được kiến thức, tự tin xử lý các câu hỏi, giải quyết các vấn đề phù hợp với khả năng. Với học sinh khá, giỏi, người thầy mở rộng, nâng cao các kiến thức cơ bản và hướng dẫn các em tự học. Hoạt động tự học không chỉ bó hẹp trong những giờ lên lớp, mà còn tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoài lớp học… Các em tự tay làm mô hình theo thông số kỹ thuật đã học, tự mày mò đối chiếu, so sánh từng loại cây, loại hạt trong vườn nhà… nhằm ứng dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống thực tiễn trong cuộc sống. Đây được xem là điểm nhấn của ngành giáo dục và đào tạo trong việc từng bước chuyển tri thức thành hoạt động thực tiễn, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, Bến Tre còn có đội ngũ nhà giáo giàu kinh nghiệm, hết lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Các thầy cô đã nỗ lực nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục. Sinh hoạt chuyên môn liên trường, liên huyện, hội giảng, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Thông qua các hoạt động chuyên môn, các thầy cô giáo cùng phân tích, trao đổi kinh nghiệm dạy học các bài khó, phương pháp ôn luyện có hiệu quả cho học sinh gặp khó khăn trong học tập. Khi nảy sinh vấn đề trong thực tiễn, các tổ nhóm chuyên môn luôn có phương án giải quyết phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Bằng tâm huyết, sự nỗ lực của toàn ngành cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, năm học qua ngành giáo dục và đào tạo đã đón nhận nhiều phần thưởng vinh dự. Toàn ngành có 15.013 lao động tiên tiến, 3.637 chiến sĩ thi đua cơ sở, 1.065 bằng khen của UBND tỉnh, 28 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 45 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 397 tập thể lao động tiên tiến, 160 tập thể lao động tiên tiến xuất sắc, 30 cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, 10 nhà giáo được nhận Huân chương Lao động hạng III, nhận được Thư biểu dương của Bí thư Tỉnh ủy.