Nhắc lại chuyện cũ, ông Huỳnh Văn Ẩn, ngụ tại ấp Giồng Hổ, xã Thới Lai (Bình Đại), dường như quên hết nỗi nhọc nhằn. Chắc có lẽ câu thành ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” làm cho ông tâm đắc nhất trong lúc này, khi nói về mình.
Sinh năm 1964, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 20 tuổi, (1984), ông đã gia nhập quân đội, làm nhiệm vụ tại chiến trường K. Cho đến ngày xuất ngũ, 1989 trở về địa phương với chiếc ba lô cũ. Năm 1990, nhờ lập gia đình và ở riêng, cha mẹ ông Ẩn đã cho vợ chồng ông 1000m2 đất để làm lụng kiếm sống. Thế nhưng, đến năm 1991, khi đứa con gái đầu lòng chào đời, đôi vợ chồng trẻ càng thêm nghèo túng. “Tôi đi làm mướn khắp nơi, thấy không khá, năm 1995 tôi trở về quê nhà cũng tiếp tục làm mướn, ai mướn gì tôi làm đó. Nhưng cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám vợ chồng tôi” - ông Ẩn cho biết.
Vai trò hỗ trợ của Nhà nước, các đoàn thể trong công tác giảm nghèo là rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự tự thân phấn đấu của mỗi người nghèo, mỗi hộ nghèo đều có ý nghĩa rất quyết định. |
Bàn bạc thống nhất với nhau, vợ chồng ông quyết tâm vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để vươn lên thoát nghèo. Năm 2005, gia đình ông đã đề nghị và được Hội Nông dân xã Thới Lai xem xét và hỗ trợ bằng cách cho mượn 2 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ nông dân. “Có số tiền trong tay, tôi mua được 2 con heo về nuôi, gồm một con heo thịt và một con heo giống” - ông Ẩn chia sẻ. Cứ như vậy, vợ chồng ông thay phiên nhau chăm sóc heo và kết quả đã không phụ lòng họ. Sau thời gian chăn nuôi được 2 năm, gia đình ông đã có kha khá tiền lãi, dành dụm trả hết tiền vay và trong chuồng còn được 5 con heo nái, đẻ 5 bầy heo con. Khoảng những năm 2006-2007, gia đình ông Ẩn là địa chỉ nuôi heo có tiếng. Vợ chồng ông đã không quản công lao để chăm sóc heo sinh sản. Khoảng sau hai tháng, gia đình ông bán được gần 550kg heo con, với giá 45.000đ/kg, trừ đi các khoản chi phí, ông còn lãi gần 35 triệu đồng. “Tích cóp, vợ chồng tôi mua được 2.500m2 đất” - ông Ẩn vui vẻ cho biết.
Thấy kinh tế vẫn còn khó khăn, năm 2006, gia đình ông Ẩn lại tiếp tục đề nghị Hội Nông dân xã hỗ trợ vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Đại, với số tiền 10 triệu đồng. Số tiền này ông đem về mua một con bò giống, vì qua thông tin của bạn bè, ông thấy nuôi heo và nuôi bò đều có lãi. Kinh tế gia đình bắt đầu có chuyển biến tốt, cộng vào đó là sự cần mẫn, tảo tần của ý chí “tát cạn biển Đông”, năm 2007, gia đình ông lại mua thêm 3.000m2 đất để lên líp trồng màu và cây nhãn. Các loại rau màu thông thường, phục vụ các buổi chợ trong và ngoài huyện đang được bà con nông dân đua nhau trồng, như: cà, ớt... được ông tận tình chăm sóc. Vườn nhãn cũng phát triển tốt, cho trái sum suê. Kết quả, sau mấy năm ròng rã, gia đình ông thu lợi nhuận từ trồng màu 40 triệu đồng/năm, thu nhập từ cây nhãn khoảng 50 triệu đồng/năm. Từ đó, gia đình ông đã thoát nghèo một cách bền vững.
Hiện nay, gia đình ông Huỳnh Văn Ẩn đã có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, phương tiện sinh hoạt đầy đủ, con cái được học hành.
Ông Huỳnh Văn Ẩn là một trong những tấm gương tiêu biểu về công tác giảm nghèo cấp tỉnh - năm 2011. Khi giao lưu với mọi người, ông Ẩn cho biết: “Ngoài việc chí thú làm ăn để góp phần xóa đói, giảm nghèo, tôi còn dành thời gian và công sức để tham gia vào các hoạt động xã hội. Tôi đã vận động hội viên nông dân nghèo tự lực vươn lên, có tinh thần đoàn kết, giúp nhau thoát nghèo. Bản thân tôi đã cho 4 hộ nghèo mượn số tiền 50 triệu đồng (không tính lãi) để sản xuất. Hiện nay, các hộ đã thoát nghèo, đều có cuộc sống khá giả. Tôi cũng đã vận động bà con làm lộ bê-tông, có chiều dài 350m, với tổng kinh phí 12 triệu đồng”.
Xin mượn câu nói chân tình của một điển hình về quá trình phấn đấu thoát nghèo bền vững - ông Huỳnh Văn Ẩn - để kết thúc bài viết này: “Được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã, của Hội Nông dân xã Thới Lai, tôi đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và tôi rất tự hào về sức lao động của mình”.