Từ một cuộc thảo luận ở diễn đàn Quốc hội

21/11/2011 - 08:05

Mấy ngày qua, dù sự kiện SEA Games 26 đang diễn ra tại Indonesia thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhưng cử tri cả nước vẫn đang theo dõi những chuyện đại sự của đất nước được Quốc hội đưa ra cho các đại biểu thảo luận, trước hết là hai dự luật sửa đổi: Lao động và Công đoàn.

Về Luật Lao động (sửa đổi), “nóng” nhất trong những ngày qua là nên hay không việc tăng giờ làm thêm của người lao động. Không ít đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã rất quan tâm, lo ngại về việc tăng giờ làm thêm sẽ tăng thêm sức ép cho người lao động, không tạo điều kiện tốt nhất để họ hồi phục và nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức lao động. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng, điều này có thể tạo kẽ hở cho người sử dụng lao động ép người lao động phải tăng ca, tăng giờ làm việc mà không tuyển thêm lao động. Vì vậy, một số ĐBQH đã đề nghị luật (sửa đổi) cần giữ nguyên quy định cũ làm khung pháp lý (mỗi tuần tối đa 40 hay 44 giờ và số giờ làm thêm tối đa chỉ nên giữ 200 như hiện nay, thay vì tăng lên 360 giờ/năm).

 Tuy nhiên, nhằm đảm bảo hơn nữa cho quyền và lợi ích của số đông người lao động, nên chăng dự thảo sửa đổi Luật cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định có tính pháp lý để ràng buộc về mặt định lượng, cụ thể: “Tăng giờ làm thêm phải được sự đồng thuận trực tiếp (nếu ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn), một cách tự nguyện của người lao động (thông qua đại diện là tổ chức công đoàn) và tiền lương làm thêm tối thiểu phải gấp 1,5 đến 2 lần tiền lương bình quân trong tuần”. Tùy theo đặc thù ngành, nghề; thời điểm làm thêm (ban ngày hay ban đêm, các ngày lễ, Tết, thứ 7, Chủ nhật), sẽ do Nghị định của Chính phủ và các Thông tư do các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể.

Riêng về Luật Công đoàn (sửa đổi), có lẽ không nhất thiết phải thay tên tổ chức Công đoàn như một số ĐBQH đề nghị, vì vấn đề cốt lõi ở đây chính là có một bất cập về danh xưng các tổ chức công đoàn bấy lâu nay nhưng chưa được quan tâm nghiên cứu.

Với khái niệm chung “Công đoàn là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động”, thế nên, cho dù là người công nhân trực tiếp lao động sản xuất hay thuộc các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính Nhà nước; nhà nghiên cứu ở các viện khoa học, các luật gia hoặc cả những người hoạt động ở các lĩnh vực kinh doanh, thương mại dịch vụ… tất cả đều được gọi chung là các “công đoàn viên” thuộc tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, có một thực tế cần được thừa nhận là những “Người làm công ăn lương” trong các tổ chức này hoặc số đông người lao động trong xã hội vẫn có thể là thành viên của “công đoàn” hay “nghiệp đoàn” tùy theo đặc thù công việc, miễn sao họ tự nguyện chấp hành tôn chỉ, mục đích của tổ chức và các quy định của pháp luật, đồng thời được tập hợp, sinh hoạt trong một tổ chức thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ). Bởi, ngoài lực lượng công nhân hùng hậu đang sinh hoạt trong các tổ chức công đoàn, thì nếu đội ngũ trí thức cũng mang danh xưng “công đoàn viên” là chưa sát hợp với từng đặc thù nghề nghiệp của họ.

Vậy nên, giữ nguyên việc gọi chung tổ chức ở ba cấp quản lý là LĐLĐ có lẽ phù hợp nhất. Từ đó, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần phân định cụ thể hơn, ví dụ về danh xưng nên chia thành nhiều loại hình tổ chức ở từng cấp, có nơi là “công đoàn”, có chỗ lại là “nghiệp đoàn”, “hội đoàn” chẳng hạn, tùy theo đặc thù nghề nghiệp của hội viên. Như thế, chỉ có tổ chức công đoàn dành cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; còn về nghiệp đoàn thì có thêm các nghiệp đoàn như: Giáo chức (bao gồm tất cả những người trực tiếp làm công tác giáo dục từ bậc mầm non cho đến bậc đại học); thầy thuốc (y, bác sĩ, nha - dược sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong ngành y tế); báo chí (phóng viên, phát thanh viên, biên tập viên); văn nghệ sĩ; lái xe; cầu thủ chuyên nghiệp...      

Mỗi lần Quốc hội sửa đổi luật là một lần giúp cho những điều luật ấy sẽ đi sâu hơn vào thực tiễn cuộc sống của người dân. Do vậy, việc ĐBQH thảo luận thấu đáo mọi ngóc ngách của vấn đề để có những suy tính cẩn trọng trước khi giơ tay biểu quyết dự thảo Luật là rất đáng được cử tri cả nước hoan nghênh và đồng thuận.

THANH TÙNG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN