 |
Sản xuất giá thể tại Công ty TNHH Ươm Mầm Xanh ở xã Phong Nẫm (Giồng Trôm). Ảnh: H.H |
Hiện nay, ngoài các sản phẩm chính được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau để làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi thì nguồn phế phẩm tưởng chừng như đã bị bỏ đi nhưng thật ra qua các qui trình công nghệ mới đã biến những thứ ấy thành những sản phẩm không chỉ có ích về hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách thiết thực, hiệu quả. Có rất nhiều những phế phẩm nhưng chúng tôi chỉ nêu một vài chất cụ thể như mụn dừa, rác thải, phân chuồng…
Biến phân thành… khí đốt qua sử dụng công nghệ khí sinh học
Bến Tre hiện có khoảng 750.000 con heo, được nuôi chủ yếu ở vùng nông thôn. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, có rất nhiều hộ nuôi xả thải phân tự do ra môi trường bên ngoài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của cộng đồng. Chính vì vậy, liên tục trong hơn 3 năm qua, dự án khí sinh học đã được tổ chức triển khai có hiệu quả tại Bến Tre. Từ khoảng 100 hộ áp dụng nay bình quân mỗi năm có khoảng vài trăm hộ tham gia. Đặc biệt, trong năm 2010 đến hết tháng 9 đã hoàn thành chỉ tiêu dự án và Ban quản lý dự án đang có kế hoạch xin triển khai sớm chỉ tiêu năm 2011 với 300 hộ. Rõ là chương trình đã tổ chức tuyên truyền và triển khai rất có hiệu quả, thu hút đông đảo người chăn nuôi tham gia. Phía dự án hỗ trợ một phần kinh phí còn lại người dân tự bỏ vốn đầu tư. Từ chất thải của phân heo, phân bò, qua qui trình công nghệ đã biến những chất bỏ đi thành nguyên liệu sử dụng cho đun nấu, thắp sáng, có thể thay thế xăng dầu chạy máy phát điện, sấy trà, ấp trứng, sưởi ấm gà, heo… Kết quả cho thấy, các hộ dân rất hài lòng vì ngoài việc tiết kiệm được tiền chất đốt phục vụ cho sinh hoạt gia đình, hầm biogas còn giúp người chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường hiệu quả. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã đến hộ ông Nguyễn Hữu Phước ở xã Châu Hòa (Giồng Trôm). Ông cho biết, gia đình ông lúc nào cũng nuôi bình quân trên 50 con heo trong chuồng. Khi chưa xây dựng hầm biogas ông đã xử lý chất thải bằng túi mủ. Ban đầu cũng có hiệu quả như đã giảm mùi hôi nhưng khoảng vài tháng phân đã đầy túi, chất thải chưa phân hủy hết tuôn ra ngoài làm ô nhiễm môi trường. Sau đó, hưởng ứng chương trình khí sinh học ông đã xây hầm biogas. Với kích cỡ hầm 16,6m3 đối với hầm phân hủy, 4m3 đối với hầm điều áp, tổng kinh phí 16,5 triệu đồng. Tuy chi phí có cao nhưng sau khi đưa vào hoạt động, công trình mang lại hiệu quả không ngờ. Khi công trình đã hoạt động ổn định, ông được chương trình dự án khí sinh học hỗ trợ tiếp 2,3 triệu đồng để mua máy phát điện, công suất 3,5kW. Tổng giá trị máy phát điện 6 triệu đồng với lượng khí tiêu thụ khoảng 1m3/giờ. Khi xây dựng xong, lượng khí gas từ hầm biogas sinh ra rất nhiều. Ngoài sử dụng làm chất đốt sinh hoạt trong gia đình, đốt đèn sưởi ấm đàn cút, ông cho chạy máy phát điện sử dụng điện sinh hoạt gia đình, bơm nước tưới cây, tắm heo. Theo ông Phước, từ việc dùng gas nấu ăn, điện sinh hoạt, chạy máy bơm nước hàng tháng ông tiết kiệm khoảng 800.000 đồng. Ngoài hưởng lợi từ hầm biogas, ông dùng nước và bã thải đã được phân hủy, tưới cho 13 công đất vườn, tiết kiệm gần 10 triệu đồng so với việc dùng phân hóa học. Điều đáng mừng hơn là không làm ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Còn theo ông Nguyễn Thanh Hà, là khuyến nông viên xã Tân Thanh Tây (Mỏ Cày Bắc), năm 2008 được nghe chương trình đầu tư hỗ trợ áp dụng công nghệ khí sinh học, ông vận động hộ ông Đinh Ngọc Thanh là hộ chăn nuôi có qui mô nhỏ (2 heo nái, 10 heo thịt) tham gia chương trình. Khi hoạt động, công trình có hiệu quả, nhiều hộ trong xã đến tham quan. Từ đó, ông tiếp tục vận động, kết quả đến cuối năm 2009, toàn xã có trên 20 công trình mới. Các hộ này hàng tháng tiết kiệm trên 300.000 đồng. Điều đáng mừng là chất thải được sử dụng bón vườn cây, nuôi cá và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Phế phẩm mụn dừa đem đi xuất khẩu
Chúng tôi đã đến xưởng sản xuất mụn dừa của Công ty TNHH Thanh Bình (xã An Hóa - Châu Thành). Công ty Thanh Bình ngoài làm hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ dừa, chiếu cói, lục bình… còn tận dụng phế phẩm mụn dừa-thứ bỏ đi để làm hàng xuất khẩu. Từ việc đầu tư làm hàng chiếu cói, hàng thủ công mỹ nghệ ở huyện Mỏ Cày Nam, trong dịp tình cờ thấy trên dòng sông Thom có nhiều mụn dừa bị vứt xuống sông, làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, ông Nguyễn Văn Thành đã bỏ thời gian mày mò tìm hiểu và quyết định thành lập phân xưởng sản xuất ở xã An Hóa. Ban đầu, số lượng tiêu thụ không nhiều vì khách hàng chưa quen biết; nhưng dần dà số lượng xuất khẩu ngày càng nhiều. Nhờ có thêm mặt hàng mới, mỗi năm Công ty xuất khẩu trên 2.000 tấn chỉ xơ dừa, hơn 4.000 tấn mụn dừa, trị giá trên 2 triệu USD. Từ hiệu quả của mụn dừa xuất khẩu, hiện nay trong tỉnh có hàng chục doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này, như: Công ty TNHH CoViNa chuyên sản xuất nhiều sản phẩm từ mụn dừa (Khu Công nghiệp An Hiệp); Công ty TNHH sản xuất dừa MeKong (Giồng Trôm) sản xuất đất sạch từ mụn dừa, xuất sang Mỹ, Canada, Anh; Công ty TNHH Ươm Mầm Xanh ở xã Phong Nẫm (Giồng Trôm), chuyên sản xuất đất sạch, giá thể ươm trồng nông nghiệp hữu cơ, xuất sang Mỹ, Canada; DNTN Đất Xanh ở xã Nhơn Thạnh (TPBT), chuyên sản xuất mụn dừa...