Từ “Thủy thần trên sông Cái Lớn” đến thầy thuốc của người nghèo miền Tây

26/07/2013 - 07:54

Bài 2: Người thầy thuốc - thương binh hết lòng với bà con nghèo

Ông Chiến mải mê chinh chiến hầu khắp các mặt trận thủy chiến ở miền Tây. Đến cuối năm 1974, trong lần đánh tàu trên sông Cần Thơ (đoạn qua huyện Cái Răng) ông bị miểng đạn M79 của địch ghim vào đầu - gây chấn thương và bị lãng trí, được đơn vị cho phục viên về với gia đình sau ngày giải phóng.

Bài 1: Mười Chiến kiện tướng đánh tàu - “Thủy thần trên sông cái lớn”

“Khi chuẩn bị ra quân, thủ trưởng cho tôi 1 ưu tiên, tôi chọn cây đàn Accordeon và về nhà với nó. Người bạn đồng hành ấy theo tôi như hình với bóng sau giải phóng, nhưng nó cũng hư mất rồi vì thời gian đã quá lâu” - ông kể lại với niềm tự hào và có phần nuối tiếc.

 Đời lính chiến…

 Đời lính chiến tuy oai hùng với những chiến công và lãng mạn, với tiếng đàn “phong cầm”, nhưng chuyện tình cảm là nỗi ám ảnh lớn nhất và cũng là nguyên nhân khiến tên tuổi của ông không được tôn vinh xứng đáng với những công lao to lớn của mình. Những năm trở về từ miền Đông, anh nhạc sĩ văn công Mười Chiến lưu diễn khắp chiến trường miền Tây: “Tui gặp gỡ rồi yêu nhau và kết hôn với người con gái hiền lành và chân chất ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vào cuối năm 1967”. Kể về mối lương duyên đẹp ấy, ông thường cho là “mối tình đẹp như thơ”. Và niềm vui ấy càng mỹ mãn hơn khi người con gái đầu lòng của họ ra đời trong niềm hân hoan của vợ chồng người lính trẻ 1 năm sau đó. “Nhưng đời đâu đẹp như thơ, vợ tui gặp rắc rối trong quá trình sinh sản và rồi người đàn bà hiền từ trong cách cư xử và nhỏ nhẹ trong lời nói ấy đã vĩnh viễn không thể sinh con nữa” - đôi mắt trầm buồn, ông chua xót nói.

 Nỗi chán chường và thất vọng hằn sâu trong đầu người lính trẻ vì ông mãi không thể có con trai nối dõi cùng người vợ thân yêu! Ông cho biết: “đó là điều mà lúc nằm mơ tôi cũng nghĩ đến”. Rồi đơn vị chuyển lên vùng Cần Thơ chiến đấu, ông Chiến mang theo tâm sự ưu tư, não nề. Giữa lúc tâm hồn đơn côi mang niềm tâm sự nghẹn ngào đến vùng đất lạ: “Tui gặp và đồng cảm với người nữ dân quân tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên trong sáng Nguyễn Thị Kim Em (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) vì tình yêu đất nước và tâm hồn văn nghệ”. Và họ đã vượt qua tất cả, quyết định lấy nhau (người lính 2 vợ là điều cấm kỵ trong quân ngũ - ông nói). Khi sinh được bé trai đầu lòng với người vợ kế, ông thỏa niềm mong muốn bấy lâu. Bà Kim Em nói: “Biết ông ấy nghèo, nên tôi cũng không đòi hỏi ở ông ấy điều gì, hiện tôi vẫn ổn định với 2 công đất trồng ổi của gia đình. Tôi không bao giờ ân hận vì đã lấy ông Mười Chiến làm chồng”. Trong suốt quãng đời đã qua, ông chưa bao giờ từ bỏ tình yêu với người vợ lớn. Đến nay, ông vẫn thường trú tại quê hương của bà. Và cũng vì có vợ 2 nên Kiện tướng đánh tàu Phùng Văn Chiến không được lãnh đạo xem xét đến danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 Cảm nhận nỗi đau của Con người

Sau chiến tranh trở về, ông Mười Chiến bị chứng bệnh trĩ và thấp khớp. Gần 5 năm trời, hết tiền gia đình dành dụm và đơn vị hỗ trợ, nhưng ông trị mãi không hết bệnh. Rồi tình cờ được một người thương binh hướng dẫn lên Quân y (Quân khu 7) điều trị và dứt hẳn. Những kiến thức ít ỏi học được về quân y năm xưa chợt quay về và ông quyết tâm học luôn nghề chữa bệnh trĩ để mong giúp được bà con nghèo.

Đến khoảng cuối những năm 80, căn bệnh đã dần được ổn định, ông bắt đầu trở lại với niềm đam mê âm nhạc của mình. Và trong khoảng hơn 10 năm công tác ở Đoàn Văn công tỉnh Bến Tre vừa chữa bệnh cho bà con ở những nơi ông đến biểu diễn là khoảng thời gian thanh thản nhất trong đời ông. Cuối năm 1990, ông nghỉ hưu và bắt đầu xây dựng biệt danh “ông Mười Chiến nhạc sĩ, diệt bệnh trĩ”, đến nay đã 23 năm trời. Và không biết bao nhiêu bệnh nhân nghèo ở các vùng nông thôn miền Tây đã được ông chữa hết bệnh…

Hiện nay, trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây để chữa bệnh cho bà con nghèo ở nông thôn. Hàng tháng, ông trị dứt cho hơn 15 người, trong đó nếu hoàn cảnh nghèo khổ hay thương binh thì chỉ lấy lại tiền thuốc. Anh Lê Minh Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Mỹ, nói: “Dù tuổi đã cao và ở xa quê, nhưng mỗi khi đến các ngày kỷ niệm về truyền thống hào hùng của bộ đội là chú Mười luôn có mặt. Chú Mười Chiến giờ là biểu tượng sống, niềm tự hào cho quê hương Hương Mỹ chúng tôi”.

Chia tay chúng tôi, ông tâm sự trong xúc động: “ 2 người con trai của tôi và vợ kế hiện đã có cuộc sống ổn định ở Cần Thơ. Đó là niềm an ủi lớn lao khi tuổi tôi sắp về chiều. Tôi chỉ mong sao cho mình có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành với bà con nghèo không may bị bệnh. Qua đó, tôi có thể sẽ gặp lại những đồng đội năm xưa và vui sướng khi chữa khỏi cho người dân”.

MÃ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN