Tuấn thoát nghèo nhờ mượn đất nuôi gà

05/02/2015 - 09:10

Mô hình nuôi gà xen trong vườn dừa.

Nhiều bà con ở huyện Mỏ Cày Nam nói: “Người dân ở đây khá, giàu lên là nhờ con gà mà nghèo trở lại cũng bởi con gà. Nếu khuyên ai nuôi gà để thoát nghèo là chưa chắc…”. Vậy mà anh Bùi Anh Tuấn, ấp Định Nghĩa, xã Định Thủy đã thật sự thoát nghèo bền vững và gắn bó với nghề nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế hộ đến nay gần mười năm.

Anh bắt đầu tập tành chăn nuôi gà từ khi chưa có vốn liếng, tài sản duy nhất của hai vợ chồng là cái nền nhà mấy chục mét vuông do cha mẹ cho. Vậy vốn đâu để anh mua con giống và đất đâu để chăn nuôi? Rồi nào là kỹ thuật, thức ăn, thuốc thú y… Nhắc đến thuở còn hàn vi, vợ anh Tuấn lại rớm nước mắt thương chồng vì kiếm tiền lo cho vợ con mà phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi với đủ thứ nghề. Có lần, anh Tuấn liều lĩnh leo bẻ dừa thuê để kiếm tiền dù trước đó anh chưa biết leo dừa. Vì chưa có kinh nghiệm, ngực anh bị vết trầy sâu đến cả tháng chưa lành hẳn. Từ lần ấy, chị bảo chồng: Vợ chồng mình quyết kiếm việc gì khác làm cho ổn định chứ không cho chồng trèo bẻ dừa nữa. Được dịp giữ vườn thuê cho người hàng xóm, vừa chăm sóc vườn dừa cho chủ, anh Tuấn nảy sinh ý định nuôi gà thả vườn. Ban đầu dùng số tiền ít ỏi làm mướn có được, anh chỉ dám mua vài chục con rồi học tập kinh nghiệm nuôi. Dần dần, từ đồng lời tích lũy, anh tăng số lượng đàn gà lên 100, 200… rồi đến 1 ngàn con/lứa nuôi.

Trong quá trình nuôi, cũng không ít lần đàn gà của anh gặp rủi ro. Không nản chí, anh quyết tìm cho ra bệnh và không ngừng tìm kiếm tài liệu, học hỏi từ những người có nhiều kinh nghiệm. Nhờ anh chia sẻ một số kinh nghiệm với chúng tôi, anh nói: Giờ thì… nhìn biểu hiện gà là biết gà khỏe hay bệnh. Bệnh gì cũng có thể tìm ra nên có thể trị tại nhà mà không cần đến thú y. Biểu hiện đầu tiên dễ phát hiện nhất của gà bệnh là xù lông, cú rủ, bỏ ăn, phân chảy… Để biết chính xác bệnh thì phải mổ để quan sát bên trong. Đối với bệnh thường gặp hiện nay của gà là tụ huyết trùng. Biểu hiện là sốt cao, nằm cú rủ, phân chảy xanh, da đỏ. Có con vừa xù lông đã chết. Khi mổ ra là thấy khói xì lên, xuất huyết nhiều. Nhiều tay mới vào nghề thường mang gà bệnh đến nhờ anh “chẩn đoán” bệnh. Tuy nhiên, để có thể trị được thì phải phát hiện bệnh sớm và trước đó phải tiêm vắc-xin đầy đủ theo hướng dẫn của thú y.

Dù đã thoát nghèo, có nhà tường khang trang, chăm lo con cái học hành đàng hoàng, vợ chồng anh vẫn không ngại khó chăm sóc vườn thuê cho nhiều người trong xóm và cả tư vấn thú y cho người nuôi trên địa bàn. Hiện, anh đã chuẩn bị cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2015 với số lượng 4 ngàn con gà thịt.


Bài, ảnh: C.TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN