Ảnh minh họa: Reuters
Theo kênh CNN ngày 13-7-2023, Chuẩn tướng Tarnavskyi nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi vừa nhận, chúng tôi chưa sử dụng nhưng bom chùm có thể thay đổi hoàn toàn chiến trường. Đối phương cũng hiểu rằng khi có được số bom đạn này, chúng tôi sẽ có lợi thế. Đối phương sẽ từ bỏ khu vực có địa hình có thể sử dụng bom chùm”.
Ông Tarnavskyi cho biết lãnh đạo cấp cao Ukraine sẽ quyết định sử dụng bom chùm ở các khu vực nào, nhấn mạnh rằng đây là một vũ khí rất mạnh mẽ.
Ông Tarnavskyi cho biết sử dụng bom chùm có các hạn chế khi bị cấm dùng ở các khu vực đông dân cư, ngay cả nếu khu vực đó do Nga kiểm soát.
Trước đó, Mỹ tuyên bố họ đã có văn bản đảm bảo từ Ukraine rằng nước này sẽ không sử dụng bom chùm ở những khu vực có dân thường và sẽ theo dõi việc sử dụng bom chùm để thực hiện rà phá bom mìn sau này.
Mỹ cho biết quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine là do Ukraine không còn nhiều đạn pháo tiêu chuẩn. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, việc cung cấp bom chùm chỉ mang tính tạm thời. Ngày 11-7-2023, ông Sullivan nói rằng khi sản xuất đạn đủ cho nhu cầu của Ukraine thì không cần phải cung cấp cho nước này bom chùm nữa.
Bom, đạn chùm là những hộp chứa hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ hơn, nổ tung bên trên mục tiêu đã định, làm phân tán các quả bom nhỏ trên khu vực đó. Bom chùm phát nổ gần hoặc trên mặt đất, phát tán các mảnh đạn để tiêu diệt binh sĩ hoặc hạ gục các phương tiện bọc thép như xe tăng.
Các loại vũ khí này đã bị hơn 100 nước cấm bởi vì những quả bom nhỏ mà chúng phân tán rơi xuống một khu vực rộng lớn, gây nguy hiểm cho những người không tham chiến.
Trước đó, ngày 8-7-2023, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng quyết định của Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine là một hành động nhằm kéo dài cuộc xung đột tại nước này. Theo hãng tin TASS, người phát ngôn Maria Zakharova nhấn mạnh quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga của Mỹ nhằm kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu lưu ý rằng Nga có bom chùm hiệu quả hơn nhiều so với của Mỹ, phạm vi tấn công rộng hơn và đa dạng hơn. Ông Shoigu nói với các phóng viên ngày 11-7-2023 khi đến thăm các nhà máy quân sự ở Tatarstan: “Nếu Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, Lực lượng vũ trang Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương đương để chống lại lực lượng Ukraine, như một cách đáp trả".
Ông Shoigu cho biết cũng giống như Mỹ và Ukraine, Nga không phải là một bên tham gia Công ước về Bom, đạn chùm. Tuy nhiên, Nga đã hạn chế sử dụng kho vũ khí này của mình trong cuộc xung đột hiện tại, nhận thức được mối đe dọa mà loại vũ khí đó gây ra cho dân thường.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên tiếng phản đối Mỹ quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine. Động thái này làm dấy lên làn sóng chỉ trích cả trong nước Mỹ và trên thế giới.
Hai thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Jeff Merkley của đảng Dân chủ Mỹ đã gọi đây là quyết định sai lầm nghiêm trọng và có thể dẫn đến nhiều bi kịch hơn.
Ngay cả các nước đồng minh của Mỹ cũng lo ngại. Anh, Canada, Tây Ban Nha đã bày tỏ quan ngại trước quyết định trên của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles khẳng định, nước này có cam kết chắc chắn về việc sẽ không gửi một số loại vũ khí và bom nhất định tới Ukraine. Trong khi đó, Chính phủ Canada đặc biệt lo ngại về tác động tiềm ẩn của những quả bom con được giải phóng ra khỏi bom mẹ và chưa nổ sau khi rơi xuống mặt đất, đặc biệt là đối với trẻ em.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức