Ứng dụng các phần mềm trong xây dựng đô thị thông minh

29/04/2022 - 05:56

BDK - TP. Bến Tre đã xây dựng đô thị thông minh thông qua sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, hướng tới phục vụ người dân và quản lý thành phố thông minh hơn, góp phần nâng cao chất lượng quản lý đô thị và quản lý nhà nước hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng tương tác trực tuyến với chính quyền. Ảnh: Thạch Thảo

Hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng tương tác trực tuyến với chính quyền. Ảnh: Thạch Thảo

Mang lại nhiều lợi ích

Thực hiện theo Kế hoạch số 1137/KH-UBND ngày 2-4-2021 của UBND TP. Bến Tre về triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/ThU ngày 23-2-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP. Bến Tre xây dựng đô thị thông minh với trung tâm điều hành thông minh IOC tích hợp trên 5 lĩnh vực: chiếu sáng thông minh; quản lý an ninh trật tự - an toàn giao thông (gồm: phần mềm phản ánh hiện trường “TP. Bến Tre trực tuyến” và hệ thống camera giám sát an ninh); chính quyền số; quản lý môi trường; quản lý thông tin quy hoạch và đất đai và các lĩnh vực khác như kinh tế số, giám sát thông tin trên môi trường mạng...

Thông tin từ Phòng Quản lý đô thị TP. Bến Tre, qua quá trình triển khai, những lợi ích mang lại từ đô thị thông minh đối với người dân và công tác quản lý nhà nước như: Việc đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 của dự án “Cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ứng dụng công nghệ IOT” đã giúp thành phố chủ động hơn và kịp thời xử lý các sự cố trong công tác vận hành và quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP. Bến Tre. Đồng thời, đem lại cho người dân đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và tạo điểm nổi bật cho thành phố khi về đêm.

Trong những năm gần đây, thành phố đã đầu tư nâng cấp gần 35 tuyến đường tại 6 xã: Sơn Đông, Bình Phú, Phú Hưng, Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận và Nhơn Thạnh, góp phần giúp đời sống nhân dân được nâng cao, đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự tại khu vực các tuyến đường được đầu tư. 

Triển khai xây dựng đô thị thông minh đã giúp người dân cùng với thành phố giải quyết kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả các vấn đề còn bất cập thông qua phần mềm phản ánh hiện trường “TP. Bến Tre trực tuyến” trên các lĩnh vực: rác thải; tập trung mua bán và lấn chiếm lòng lề đường, trật tự xây dựng, vi phạm quảng cáo… Từ đó, giúp UBND TP. Bến Tre theo dõi, giám sát, nắm bắt và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

Đẩy mạnh ứng dụng

Hệ thống camera giám sát an ninh, gồm: 5 camera giám sát tại các vị trí trọng điểm và 30 camera của các xã, phường; hỗ trợ tốt trong công tác quản lý an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn TP. Bến Tre.

Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai hệ thống Wifi miễn phí phục vụ cho người dân sử dụng khi tham gia vui chơi và giải trí tại các địa điểm công cộng như: Công viên Đồng Khởi, Công viên An Hội, Công viên Hoàng Lam và Quảng trường TP. Bến Tre.

Hiện nay, UBND TP. Bến Tre đang cùng với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Chi nhánh Viettel Bến Tre triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh IOC tại TP. Bến Tre. Dự kiến đến cuối tháng 3-2022 sẽ hoàn thành tổng hợp thông tin dữ liệu trên các lĩnh vực vào hệ thống như: chỉ tiêu về kinh tế, camera an ninh và tích hợp phần mềm phản ánh hiện trường “TP. Bến Tre trực tuyến”, phần mềm điều khiển IOT hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED TP. Bến Tre, y tế, giáo dục, môi trường...

Thông tin từ Phòng Quản lý đô thị TP. Bến Tre: Việc triển khai các phần mềm và dịch vụ thông minh trong xây dựng đô thị thông minh tại TP. Bến Tre đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từng bước đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn của địa phương, giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên công nghệ số. Từ đó, giúp bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người dân, tạo động lực giúp cho các xã phát triển kinh tế - xã hội.

T.THẢO - N.THÁI

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN