Ứng dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống hạn mặn

20/12/2021 - 05:59

BDK - Ngay từ đầu năm, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Lách đã triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai, hạn mặn. Trong năm 2021, trên địa bàn huyện có nhiều công trình đập tạm, cống ngăn mặn, nâng cấp đê bao được hoàn thành. Người dân chủ động và nhân rộng các biện pháp trữ nước ngọt phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt.

Kiểm tra các phương tiện dự trữ nước sinh hoạt.

Kiểm tra các phương tiện dự trữ nước sinh hoạt.

TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, việc thực hiện các mô hình trữ nước trong dân hiện nay được nhân rộng. Đặc biệt, mô hình hồ trữ nước có lót bạt, với trên 500 hồ có thể tích trên 500m3. Các nhà máy nước trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng kế hoạch cung cấp nước máy trong điều kiện mặn xâm nhập. Đến nay, các nhà máy nước trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, đảm bảo chất lượng phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Bên cạnh các giải pháp về công trình, TS. Bùi Thanh Liêm cũng khuyến cáo và lưu ý, nông dân áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để giữ nước, trữ nước ứng phó với hạn mặn, bảo vệ cây trồng trong mùa khô. “Trước tiên, giữ ẩm tốt, cây vẫn có thể duy trì sự sống hơn 1 tháng mà không cần phải cung cấp thêm nước”, TS. Bùi Thanh Liêm thông tin. Các biện pháp chính để giữ nước cho cây là che mát, chắn gió, giữ nước trong vườn bằng các chậu nước hay mương vườn có lót bạt, hơi nước bốc lên trong vườn làm giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm trong không khí, từ đó giảm bốc thoát hơi nước cho cây.

Biện pháp thứ hai là trữ nước trong đất. Trong đất luôn có một lượng nước đủ để cây sinh trưởng từ 1 - 2 tháng tùy thuộc vào sa cấu của đất. Đất chính là “kho chứa nước” tự nhiên và tiết kiệm nhất chúng ta luôn có sẵn. Để lưu trữ nước trong đất, người dân cần làm chậm, lan rộng và giữ lại lượng nước mưa bằng cách để nước chảy theo con đường dài nhất, lan rộng và xâm nhập đến nhiều vị trí nhất có thể trong hệ thống trước khi chảy ra ngoài. Hai là, tăng cường lượng chất hữu cơ trong đất, với đất có ít nhất 2% chất hữu cơ có thể làm giảm 75% lượng nước tưới so với đất nghèo có ít hơn 1% chất hữu cơ. Ngoài ra, có thể đào rãnh rồi bón phân hữu cơ, rác mục… vào những đường rãnh đó để giúp giữ nước hiệu quả.

Việc trữ nước tưới còn có thể áp dụng cách dự trữ nước ngọt trong sông rạch, mương vườn để tưới cho cây vào thời gian mặn xâm nhập, hoặc dùng túi nylon trải lót trong mương vườn để trữ nước nếu mương không giữ được nước. Người dân cũng có thể áp dụng biện pháp trữ nước trong túi đựng, hoặc xây ao nổi lót bạt để có đủ nước tưới theo nhu cầu từng vườn.

Hiện tình hình xâm nhập mặn đầu mùa khô 2021-2022 đã bắt đầu những diễn biến đầu tiên, với những dự báo khó lường và nhiều nguy cơ gay gắt, kéo dài. Ngành chức năng huyện khuyến cáo người dân cần chủ động ứng phó, không chủ quan, lơ là để đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN