Ông Nguyễn Thanh Phúc thu gom phân khô đã qua xử lý từ máy tách phân. Ảnh: LCASP
Tận dụng chất thải chăn nuôi
Năm 2018, trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Thanh Phúc là một trong 5 trang trại trên địa bàn tỉnh được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp chọn làm điểm để lắp đặt máy tách phân xử lý chất thải chăn nuôi. Ông Phúc hồ hởi kể: “Tôi được dự án tài trợ thiết bị, chuyển giao kỹ thuật, còn trang trại tôi chuẩn bị phần hạ tầng gồm xây dựng hầm lắng, điện, đường ống, nhà để thiết bị. Sau gần 1 năm hoạt động, máy tách phân đã phát huy hiệu quả rõ rệt”.
Tiêu chí của dự án đề ra cho các trang trại chăn nuôi là phải có đủ một số điều kiện như: trang trại có vấn đề về môi trường trong chăn nuôi cần xử lý, trang trại nuôi ít nhất 1.000 con heo, tự nguyện tham gia mô hình và có nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp nhận công nghệ, có sẵn cơ sở hạ tầng (hệ thống thu gom chất thải, bể chứa chất thải lỏng, mặt bằng để lắp đặt các thiết bị và chứa chất thải rắn sau khi tách và vị trí thuận tiện cho tham quan, đào tạo, tập huấn)... Dự án cho các trang trại điểm mượn thiết bị để sử dụng trong 18 tháng, sau đó nếu người dân có nhu cầu mua để sử dụng thì dự án sẽ định giá thiết bị và bán lại cho người dân.
Ngày trước phân chuồng thải ra đều xuống hầm biogas, sau thời gian lắng lọc trong bể thì không lấy được phần phân này. Bây giờ, với máy tách phân, chất thải được dội xuống hầm lắng, sau đó máy tách phân sẽ bơm hút, xử lý tách thành phân khô, tạo ra một phụ phẩm vừa có giá trị về dinh dưỡng cho cây trồng vừa có giá trị kinh tế cho người nông dân. Phần nước thải tách ra tiếp tục được cho xuống bể biogas. Từ lúc bắt đầu chăn nuôi theo quy mô trang trại đến nay, thời điểm năm 2010, ông Phúc đã lắp đặt 3 bể khí sinh học, thể tích 24m3/bể. Điều tối ưu là khi lắp đặt máy tách phân, phần nước thải còn lại xuống bể biogas vẫn tạo khí sinh học như bình thường.
Hiện tại, với máy tách phân này đã giúp xử lý tốt chất thải của trang trại với số lượng nuôi khoảng 800 - 1.000 con heo (100 con heo nái) của ông Phúc. Ông Phúc cho biết, bình quân 5 phút, máy sẽ xử lý cho ra 1 bao phân khô 25kg, cách 5 - 7 ngày ông vận hành một lần, hàng tháng thu được trên dưới 100 bao phân khô. Sử dụng máy tách phân này làm cho lượng phân không bị hao hụt, giúp trang trại nuôi tận dụng triệt để nguồn phân chuồng để làm phân hữu cơ, có lợi cho trồng trọt, đảm bảo vệ sinh môi trường tối ưu hơn.
Lợi ích nhiều mặt
Ngoài chăn nuôi heo, ông Phúc còn có 16.000m2 vườn cây ăn trái trồng dừa, cam và bưởi. Phân khô tách ra sau khi ủ hoai, ông Phúc bón cho vườn cây ăn trái mỗi năm 2 lần, thay thế trên 30% lượng phân bón. Hiệu quả của phân hữu cơ đối với cây trồng đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân từ nhiều năm nay. “Chi phí tiền điện phát sinh khi sử dụng thiết bị là không đáng kể, bù lại tôi thu được lợi nhuận từ nguồn phân hữu cơ. Quan trọng là đảm bảo vệ sinh môi trường”, ông Phúc chia sẻ thêm.
Thiết bị vận hành êm, không gây tiếng ồn, không có bụi nên hoàn toàn phù hợp với môi trường nuôi. Đây là điều mà nhiều người chăn nuôi như ông Phúc luôn hướng đến. “Làm nghề chăn nuôi, điều mà tôi luôn đau đáu chính là phải ưu tiên vấn đề môi trường. Bảo vệ môi trường chăn nuôi, chăn nuôi sạch cũng là đảm bảo sức khỏe cho chính mình và làm ăn lâu dài, phát triển bền vững”, ông Phúc tâm huyết.
Ông Nguyễn Hoàng Danh - cán bộ khuyến nông xã Tân Phú Tây nhận xét: “Máy tách phân là thiết bị hiệu quả góp phần “khép kín” quy trình xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại. Vừa qua, khuyến nông các cấp lấy mô hình ở trang trại của ông Phúc để làm mô hình điểm, giới thiệu, nhân rộng cho bà con nông dân. Dự án có mời bà con chăn nuôi heo để tổ chức tập huấn giới thiệu, chia sẻ cho bà con biết để có hướng nhân rộng cho các hộ nuôi khác, cũng như có hướng nghiên cứu ứng dụng cho hộ chăn nuôi quy mô gia trại”.
Thanh Đồng