Ủy viên EU: Xung đột Nga-Ukraine sẽ không khiến Eurozone bị suy thoái

03/04/2022 - 18:02

Lạm phát của Eurozone tăng từ mức 5,1% trong tháng Một, khi giá dầu và khí đốt tăng vọt, do những lo ngại về tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine đến nguồn cung.

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni mới đây nhận định xung đột Nga-Ukraine có thể khiến các nền kinh tế châu Âu giảm tốc, song không rơi vào suy thoái.

Dù vậy, theo ông Gentiloni, con số dự báo tăng trưởng trước đó không còn là con số khả thi.

Ủy viên Gentiloni nhận định cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ mở ra một thời kỳ tăng trưởng thấp hơn cho 19 quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Ông lưu ý dự báo của khối về mức tăng trưởng 4% trong năm 2022, được đưa ra ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2, sẽ cần điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, ông Gentiloni khẳng định không có triển vọng về một cuộc suy thoái.

Theo ông Gentiloni, triển vọng kinh tế phụ thuộc vào ba yếu tố gồm xung đột Nga-Ukraine kéo dài bao lâu, liệu các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng đến xuất khẩu năng lượng của Nga hay không và cuộc khủng hoảng Ukraine có thể tác động đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng như thế nào.

Trong một phát biểu trước đó, ông Gentiloni đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo xung đột tại Đông Âu sẽ không làm trật bánh đà phục hồi kinh tế cũng như dẫn đến sự phân hóa ngày càng tăng trong khối.

Ngoài ra, ông Gentiloni cho biết EU đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt tăng cường đối với Nga, nhưng bất kỳ biện pháp bổ sung nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng.

Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho hay lạm phát tại Eurozone tăng mạnh trong tháng Hai, lên mức kỷ lục 5,8%, chủ yếu do giá năng lượng tăng.

Lạm phát của Eurozone tăng từ mức 5,1% trong tháng Một, khi giá dầu và khí đốt tăng vọt, do những lo ngại về tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine đến nguồn cung.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock từng cảnh báo rằng nếu Đức dừng ngay việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, hoạt động giao thông và kinh tế của nước này sẽ bị ảnh hưởng bất lợi ngay lập tức, và nước Đức có thể không có điện trong vài ngày.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN