Những năm gần đây, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Châu Thành phát triển khá mạnh, nổi lên nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Hộ ông Phạm Văn Hoa ở ấp Định Thọ, xã Tường Đa là một điển hình với mô hình kinh tế tổng hợp: trồng dừa+ bưởi da xanh và chuyên canh cây màu trên đất ruộng.
Chúng tôi có dịp đến hộ ông Phạm Văn Hoa nông dân sản xuất giỏi năm 2009. Do không báo trước, nên khi chúng tôi đến, vợ chồng ông đang hái đậu bắp cho kịp thương lái đến mua. Nhìn đám đậu bắp xanh tốt, trái đậu to dài đong đưa trong nắng ban mai, tôi thầm thán phục ông. Gương mặt ông hơi sạm đen vì nắng, nhưng không vì thế mà che mất nét hiền lành chất phác. Tôi hỏi vui, vụ này chắc trúng lắm? Ông vừa cười vừa nói: “Đợt này, giá không cao, chỉ có 1.500 đồng/chục. Trước đây giá đậu bắp lên đến
2.500 đ/chục, nhưng được cái đậu bắp dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, nên dù giá thấp vậy, tôi vẫn còn có lời”. 1,8 công đậu bắp, sau khi trừ chi phí, ông Hoa thu lời từ 5 đến 6 triệu đồng/vụ. Hết vụ đậu bắp, ông Hoa xuống giống trồng bắp tím.
Ông Hoa cho biết, trước đây gia đình có hơn 7 công đất, trong đó có 4 công trồng dừa ta đang cho trái ổn định, còn lại chủ yếu là trồng lúa. Ba năm trở lại đây, nhà tôi thiếu lao động, vì canh tác lúa cực khổ hơn trồng màu, mà hiệu quả kinh tế không cao, nên khi Hội Nông dân xã phát động dự án trồng bưởi da xanh, tôi đã lên bờ, trồng 90 gốc bưởi. Lúc đầu, tôi mất ăn mất ngủ, do không am hiểu kỹ thuật, bưởi chậm phát triển, lá vàng và cuốn lá. Khi được ban quản lý dự án hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tôi cố gắng đầu tư chăm sóc, nay vườn bưởi 3 năm tuổi phát triển xanh tốt đang bắt đầu cho trái chiếng. Một năm nay, tôi cũng đã lên bờ phần diện tích còn lại để trồng màu chuyên canh. Cứ luân phiên 1 năm canh tác 3 vụ màu, gồm đậu bắp, bắp và cà nâu.
Nhờ cần cù, chịu thương chịu khó và biết tích lũy, năm 2008, ông đã cất được ngôi nhà khang trang, tổng chi phí hơn 150 triệu đồng. Các con ông đều có việc làm ổn định.