Vai trò của các ngành, các cấp trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

25/08/2009 - 09:21
Một căn nhà ở xã Tân Phong (Thạnh Phú) đang cần được hỗ trợ. Ảnh: K.T

Ngày 17-8-2009, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” (QVNN) tỉnh đã ban hành thông báo số 10 về việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tỉnh sẽ phân bổ số lượng nhà ở cho từng huyện từ nguồn kinh phí của Trung ương và QVNN của tỉnh, tỷ lệ bình quân là 13%/tổng số hộ nghèo khó khăn có nhu cầu về nhà ở. Riêng 5 huyện: Thạnh Phú, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc được cộng thêm từ 1,4 đến 1,8%. Thị xã do nhu cầu nhà ở theo QĐ 167 còn ít và thị xã là đơn vị được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp bằng ghi công hoàn thành việc xây dựng nhà tình thương, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo nhiều năm qua, do đó tỉnh chỉ hỗ trợ phần kinh phí của Trung ương (6,6 triệu đồng/căn), không hỗ trợ thêm phần kinh phí QVNN của tỉnh, mà Thị xã tự vận động đối ứng. Đối với kinh phí QVNN của huyện, thị, thì giao huyện thị trích 70% để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từng huyện, thị.
Năm 2009, xây dựng tổng số 1.609 căn, tổng kinh phí hỗ trợ là 24,135 tỷ đồng (trong đó kinh phí hỗ trợ của Trung ương là 8,141 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của tỉnh là 14,0014 tỷ đồng, kinh phí huyện thị là 1,9926 tỷ đồng. Mỗi nhà được hỗ trợ 15 triệu đồng, trong đó kinh phí Trung ương 6,6 triệu đồng, QVNN cấp tỉnh hỗ trợ 8,4 triệu đồng. Số nhà ở phân bổ bằng nguồn kinh phí của huyện, thị thì huyện, thị hỗ trợ 15 triệu đồng/căn, gắn bảng tên: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện “QVNN” tặng, nhà tình thương; do cấp huyện gắn. Riêng Thị xã: Đối ứng 14 căn của Trung ương, mỗi căn 8,4 triệu đồng và phải xây dựng thêm 14 căn, mỗi căn 15 triệu đồng. Kinh phí được thống nhất quản lý tại Kho bạc Nhà nước huyện, thị. Thời gian tiến hành xây nhà trong vòng 60 ngày sau khi các huyện, thị nhận giải ngân. Thời gian thanh quyết toán chậm nhất là đầu tháng 12-2009.
Phân công trách nhiệm của các ngành, các cấp được thực hiện như sau:
- Sở Xây dựng: là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh theo dõi tiến độ thực hiện đề án, thiết kế, hướng dẫn các mẫu nhà tình thương để các hộ gia đình lựa chọn. Đồng thời phối hợp tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở. Thực hiện đánh giá, báo cáo sơ tổng kết theo đợt giải ngân và báo cáo năm thông qua Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp lập kế hoạch kinh phí đối ứng của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Sở Tài chính: Tiếp nhận và phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, địa phương cho các huyện, thị theo số lượng nhà ở được phân bổ. Đồng thời hướng dẫn công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo nhu cầu hộ nghèo khó khăn về nhà ở, chủ trì hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, thẩm định danh sách đảm bảo chính xác, đúng đối tượng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Vận động và chuyển nguồn kinh phí QVNN đối ứng hỗ trợ xây nhà ở cho các huyện, thị theo kế hoạch. Phối hợp kiểm tra, giám sát đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Cân đối nguồn vốn ủy thác cho vay để thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo đề án.
- Các đoàn thể chính trị xã hội: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh: tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia cùng gia đình, Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp xã đóng góp ngày công lao động, vật chất để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.
Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện, thị: Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh trong việc bình xét hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đảm bảo đúng quy trình, đối tượng, danh sách hộ nghèo được hỗ trợ nhà theo đề án. Tăng cường công tác kiểm tra việc tiếp nhận nguồn kinh phí được phân bổ và thực hiện phân bổ cấp phát về xã hỗ trợ đúng đối tượng. Quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai, thực hiện ở cơ sở và từng lúc báo cáo về UBND và Ban chỉ giảm nghèo của tỉnh.
UBND và Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã: Chịu trách nhiệm trước UBND và Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện, thị trong việc bình xét, cung cấp danh sách hỗ trợ nhà ở đảm báo đúng quy định, đúng đối tượng, tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ và cấp phát đúng đối tượng, đối với những đối tượng bảo trợ xã hội (già cả, neo đơn, tàn tật) UBND và Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã trực tiếp tổ chức xây dựng nhà ở. Hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc hộ nghèo cấp xã trực tiếp tổ chức xây dựng nhà ở. Hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc hộ nghèo xây dựng nhà ở đảm bảo theo quy định. Tổ chức vận động cộng đồng, thân nhân gia đình đóng góp ngày công, vật chất để xây dựng nhà ở, chịu trách nhiệm, trực tiếp giám sát việc xây dựng nhà ở, đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn hỗ trợ, hoàn thành hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán.

Ban vận động Quỹ Vì Người Nghèo tỉnh Bến Tre

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN