 |
Một tiết ôn tập môn Lịch sử của học sinh Trường THPT Chuyên. |
Theo số liệu thống kê bước đầu từ Phòng GD&ĐT các huyện, tỷ lệ học sinh (HS) lớp 12 chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 khá ít.
Theo đó, Châu Thành là 8,3%, Giồng Trôm dưới 9%, Mỏ Cày Bắc dưới 10%, Thạnh Phú 21,72%. Với tỷ lệ này, có phải HS đã bắt đầu ngán ngại và quay lưng lại với môn Lịch sử không, trong khi “Dân ta phải biết Sử ta”?
Vẫn còn đam mê môn Lịch sử
Để có nhận định bước đầu về vấn đề này, chúng tôi được cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên (GV) dạy môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Bến Tre khẳng định: HS vẫn chưa quay lưng lại với môn học này. Điều dễ thấy là ở trường vẫn còn nhiều em rất đam mê và chịu khó đào sâu nghiên cứu môn Lịch sử. Với một nhà giáo ưu tú, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như bồi dưỡng HS giỏi như cô Mai, thì những HS này sẽ là hạt nhân giúp cho đội ngũ thầy cô giáo, phụ huynh HS thấy rằng đây vẫn là môn quan trọng trong chương trình học. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cả 4 HS chuyên Sử và 8 HS chọn khối C đều đăng ký môn tự chọn Lịch sử. Cô Mai tin rằng những em này sẽ thành công, do đây là môn học các em yêu thích, bản thân lại rất đam mê.
Cô Mai cho biết việc chọn thi môn Lịch sử chỉ là bước cuối cùng để các em vượt qua kỳ thi trước mắt. Chúng ta không nên nhìn ở số liệu HS không đăng ký môn thi thì cho rằng môn Lịch sử sẽ là môn phụ. Thử làm phép so sánh giữa Lịch sử, Ngữ văn và Toán để thấy, nếu không thi bắt buộc mà tự chọn 2 môn Ngữ văn và Toán thì chưa chắc HS đã chọn Toán và Ngữ Văn. Những HS có học lực trung bình, yếu, hay HS khối C thì không chắc là chọn môn Toán, do trong quá trình học các em đã yếu môn học này. Một điều dễ thấy nữa là HS khi thi vào đại học, những khối tự nhiên chiếm đa số. Do sự phát triển của kinh tế Việt Nam, nhu cầu việc làm về lĩnh vực kinh tế khá nhiều nên HS sẽ học những chuyên ngành nào dễ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ngược lại, “đường đi” của khối C, trong đó có những ngành của môn Lịch sử lại không được rộng, đây cũng là hạn chế trong việc chọn môn thi.
Cần có phương pháp giảng dạy phù hợp
Như vậy, HS chọn thi Lịch sử hay không là không quan trọng mà điều quan trọng là từng GV phải truyền đạt được vai trò, vị trí của bộ môn mình giảng dạy để có phương pháp dạy học phù hợp, trang bị đầy đủ kiến thức cho HS trong quá trình học. Cô Tuyết Mai cho rằng Lịch sử là môn học nhằm giáo dục truyền thống dân tộc, qua đó góp phần đào tạo ý thức đạo đức con người cũng như lòng tự hào dân tộc. Một khi đã xác định được vị thế của mình cùng với lòng tự hào dân tộc, ta sẽ biết yêu quê hương đất nước, biết phát huy và giữ gìn những truyền thống quý báu ấy của ông cha ta; hết lòng hy sinh vì tình yêu quê hương đất nước và ra sức xây dựng, làm giàu thêm cho quê hương mình. Mặt khác, Lịch sử còn giúp cho HS hình thành kỹ năng sống, góp phần tạo nên thói quen tư duy logic. Đây là một trong những yếu tố giúp các em ứng dụng được trong cuộc sống.
Làm thế nào để học sinh yêu thích môn học? Cô Tuyết Mai chia sẻ: Điều đầu tiên mà GV cần phải làm là xem trọng người học, tránh tạo cho các em những áp lực nặng nề, làm thế nào để HS và GV có sự gần gũi, thân thiện. GV phải linh hoạt biến những giờ Lịch sử thành những tiết thảo luận để HS nêu chính kiến của mình thông qua hoạt động tổ, nhóm. Trao đổi về kinh nghiệm hiện tại, cô Mai cho biết, mỗi bài cô đều xây dựng đề cương và chia đều 2 cột. Cô để trống một bên để HS viết phần tư duy vào; phần còn lại là nội dung đảm bảo chuẩn kiến thức để các em không phải viết bài. Với cách học này, các em sẽ còn rất nhiều thời gian, do đó khi lên lớp, GV sẽ thực hiện tiết dạy theo sơ đồ nhánh, giúp HS hệ thống ý chính và có thể thuộc bài ngay tại lớp. Sau đó, hết mỗi bài, mỗi chương, GV sẽ hệ thống, xâu chuỗi sự kiện, giúp HS nắm bắt những nội dung cơ bản nhất của bài học.
Yêu thích môn học và chọn môn thi theo quy định của Bộ GD&ĐT chưa phải là mục tiêu cuối cùng trong giảng dạy bộ môn Lịch sử, mà điều quan trọng là trong quá trình giảng dạy, GV phải trang bị được kiến thức, hình thành lòng tự hào dân tộc, giúp HS có hành trang bước vào đời.