Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh nhà, bài 5:

Vận dụng tinh thần “Đồng khởi mới” trong công tác giải phóng mặt bằng

13/05/2022 - 05:45

BDK - Việc thực hiện đồng bộ các công trình (CT), dự án (DA) trọng điểm là giải pháp quan trọng giúp tỉnh nhanh chóng phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới. Trong năm 2022, toàn tỉnh triển khai 11 CT, DA trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và hàng chục CT khác trên khắp địa bàn toàn tỉnh. Áp lực công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là rất lớn, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự quyết tâm cao.

Vị trí Dự án Khu công nghiệp Phú Thuận thuộc địa bàn 2 xã Phú Thuận và Phú Long.  Ảnh: Cẩm Trúc

Vị trí Dự án Khu công nghiệp Phú Thuận thuộc địa bàn 2 xã Phú Thuận và Phú Long.  Ảnh: Cẩm Trúc

Khu công nghiệp và dự án đô thị

Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận (231,78ha) là một trong những DA trọng điểm của tỉnh. Nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãnh đạo tỉnh càng mong muốn DA này sớm hoàn thành công tác GPMB để bàn giao nhà đầu tư thứ cấp, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp mới, tăng trưởng mới cho địa phương.

Hiện DA đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư chủ yếu lĩnh vực chế biến nông thủy sản, công nghiệp phụ trợ. So với tiến độ đề ra, hiện công tác GPMB khá chậm trễ do nhiều nguyên nhân như: ảnh hưởng dịch Covid-19, thiếu quỹ đất bố trí tái định cư, đất có nhiều khu mộ, nhà xưa…

Mặt khác, chính việc GPMB chậm tiến độ và kéo dài dẫn đến chi phí bồi thường, chi trả cho người dân tăng cao so với dự kiến và tiếp tục gây khó khăn. Đến nay, đã giải ngân và chi trả bồi thường cho các hộ dân trên 1.622/1.699 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã thu hồi và đồng ý bàn giao mặt bằng 180,3/216,2ha (đạt hơn 83%).

“Do giá đất thời điểm hiện tại tăng cao so với thời điểm lập DA, nên tăng chi phí GPMB, dẫn đến phải trình điều chỉnh tổng mức đầu tư, từ 2.023 tỷ đồng lên 3.582 tỷ đồng. Do DA nhóm A, phải qua ý kiến của nhiều bộ, ngành Trung ương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên thời gian kéo dài”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho hay, tại buổi giám sát của HĐND tỉnh về tiến độ KCN Phú Thuận mới đây.

Quyết tâm của lãnh đạo các cấp hiện nay phải hoàn thành dứt điểm công tác GPMB để giao nhà đầu tư. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét tham mưu tiếp tục bố trí cho DA khoảng 246 tỷ đồng để chi dứt điểm công tác đền bù GPMB của DA khi các phương án được UBND huyện Bình Đại phê duyệt. UBND tỉnh thường xuyên, theo dõi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn lại để trình UBND huyện Bình Đại xem xét phê duyệt.

Đô thị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, nếu quản lý tốt, quá trình đô thị hóa sẽ góp phần làm tăng trưởng sản xuất, dịch vụ, thương mại, năng suất lao động… Đồng thời với KCN Phú Thuận, trên địa bàn huyện Bình Đại đang có rất nhiều DA theo định hướng phát triển không gian về hướng Đông. Trong đó, có DA tuyến động lực ven biển, các DA đô thị... đang tập trung GPMB. Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho hay, khó khăn của huyện trong công tác GPMB là hạn chế về nhân sự. Do đó, để thuận lợi, kiến nghị các cơ quan của tỉnh khảo sát, định vị vị trí thực hiện DA nên sử dụng Google Map. Tránh tình trạng người dân vừa dời ra vị trí DA để định cư nhưng chưa được bao lâu thì lại vướng vào DA khác.

“Gần đây các nhà đầu tư tìm hiểu rất nhiều về các DA đô thị. Vì thế, cần có phương án về bố trí dân cư, GPMB để ổn định đời sống nhân dân sau này. Huyện kiến nghị tỉnh khảo sát phân kỳ đầu tư chia giai đoạn để có kế hoạch DA nào trước, DA nào sau. Vì nếu có một vài DA chậm tiến độ do công tác GPMB thì ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống dân cư…”, ông Nguyễn Văn Dũng đề xuất thêm.

Riêng về lĩnh vực đô thị, TP. Bến Tre là địa phương trọng điểm của tỉnh trong xây dựng các DA đô thị. Trong năm nay, thành phố có khoảng 30 DA với 3 ngàn ha. Chủ tịch UBND TP. Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh cho hay, thành phố cũng đặt ra vấn đề phát triển đô thị lên đô thị loại 1 trong tương lai. Hiện TP. Bến Tre đang phối hợp với các sở, ngành tỉnh tập trung GPMB. Thời gian qua, tiến độ thực hiện cơ bản đạt yêu cầu.

Xây dựng điển hình trong GPMB

Tỉnh đã và đang tập trung thực hiện công tác tạo quỹ đất sạch để thu hút, mời gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện đã quy hoạch 12 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 408ha. Trong đó, có 10 CCN được thành lập và 9 CCN đã quy hoạch chi tiết. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về danh mục các CT, DA thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, có 10 CCN trên địa bàn tỉnh với diện tích 281,7ha. Tuy nhiên, do hạn chế về vốn ngân sách nên công tác GPMB tạo quỹ đất sạch được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Doanh nghiệp ứng tiền GPMB sau đó sẽ trừ vào tiền thuê đất.

Người dân huyện Châu Thành nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cầu Rạch Miễu 2. Ảnh Thạch Thảo

Người dân huyện Châu Thành nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cầu Rạch Miễu 2. Ảnh Thạch Thảo

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến cuối năm 2022 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nêu quyết tâm: “Từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ tập trung triển khai các DA lớn như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đình Khao, đường ven biển, đô thị, điện gió… Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo đồng thuận, huy động, phát huy vai trò của nhân dân trong triển khai, thực hiện các CT, DA trọng điểm trên địa bàn tỉnh”.

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải, tình hình triển khai DA cầu Rạch Miễu 2 cũng đang diễn tiến khá thuận lợi. Các sở, ngành, địa phương đang tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác GPMB để bàn giao chủ đầu tư vào tháng 6-2022. Tam Phước là 1 trong 8 xã của huyện Châu Thành và TP. Bến Tre có DA đi qua. Chủ tịch UBND xã Tam Phước Huỳnh Chí Hồng Quân cho hay, UBND xã đã công bố dự thảo phương án bồi thường đường vào cầu Rạch Miễu 2 và đường gom, gồm có 129 hộ. Qua công bố dự thảo, đến nay có 57/112 hộ đồng ý phê duyệt sớm.

“Cách làm của xã là thông tin hộ dân, thường xuyên đến hộ dân nắm tình hình, công bố dự thảo. Để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, cán bộ xã nhanh chóng tiếp cận từng hộ để hỏi chuyện, giải thích, bàn giải pháp tháo gỡ. Người dân có ý kiến thì xã xuống liền để hỏi thăm. Xã phân chia nhiệm vụ theo cách: hội viên của đoàn thể nào thì đoàn thể đó xuống gặp gỡ trực tiếp. Quyết tâm của xã là bằng mọi giải pháp, phải GPMB được đường gom và cầu Rạch Miễu 2 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh”, ông Huỳnh chí Hồng Quân chia sẻ.

Việc thực hiện đồng bộ các CT, DA trọng điểm là giải pháp quan trọng giúp tạo ra các giá trị mới cho tỉnh. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn khẳng định, để nhanh chóng phục hồi tăng trưởng, trước hết là dồn sức cho DA cầu Rạch Miễu 2 để thông thương hàng hóa, tạo động lực thu hút đầu tư, hai là KCN Phú Thuận để doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất chế biến, góp phần tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị nông sản cho địa phương…

“Đối với công tác GPMB cầu Rạch Miễu 2, cần vận dụng phương châm “Hai chân - Ba mũi” trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, chọn đây làm điển hình để nhân rộng cho các DA khác học tập kinh nghiệm, nỗ lực bắt kịp điển hình. Từ DA này, tỉnh sẽ rút kinh nghiệm trong GPMB các CT, DA trọng điểm khác. Thường vụ Huyện ủy Châu Thành và TP. Bến Tre chỉ đạo cả hệ thống chính trị, đặc biệt là 8 xã vùng DA cầu Rạch Miễu 2 tập trung cao cho tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác GPMB đúng tiến độ”.

(Trưởng ban Dân Vận Tỉnh ủy Bùi Văn Bia - Trưởng tiểu ban Tuyên truyền, vận động thực hiện DA đầu tư xây dựng CT cầu Rạch Miễu 2)

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN