Vay “bạc góp”… lắm thiệt thòi

12/09/2011 - 08:07

Người cho vay tạm giữ giấy tờ (sổ đỏ, giấy tờ nhà, xe) của người vay. Cũng có khi người vay viết giấy nhận nợ. Nếu có tranh chấp xảy ra, họ cãi vã, có khi xô xát nhau, thậm chí phải ra tòa…

“Lãi mẹ đẻ lãi con”

Anh N.V.T (TP.Bến Tre) có trên 30 năm làm nghề mua ve chai và cũng có ngần ấy thời gian vay “bạc góp” để làm vốn mua bán, nuôi năm đứa con. Lúc đầu, chủ cho vay đưa cho T một triệu đồng, mỗi ngày anh góp 40 ngàn đồng trong vòng 30 ngày (40 ngàn đồng x 30 = 1,2 triệu đồng). Thời gian đầu, anh T góp tiền cho chủ nợ rất đều đặn. Gần đây, do mua bán ế ẩm, vợ con lại đau yếu, nên anh T không có tiền để góp vào 6 ngày sau cùng của tháng (240 ngàn đồng). Trừ số tiền chưa góp đủ này, chủ nợ đưa tiếp cho anh 760 ngàn đồng. Anh T phải viết giấy nhận nợ một triệu đồng và tiếp tục góp trong vòng 30 ngày (mỗi ngày 40 ngàn đồng). Tương tự, chị N.T.H (Giồng Trôm) làm nghề buôn bán nhỏ cũng vay “bạc góp” của chủ nợ nhiều lần, xoay nhiều vòng tính gộp. Cứ thế, “lãi mẹ đẻ lãi con”…

Dẫu biết mình bị thiệt thòi nhưng anh T và chị H vẫn ráng chịu đựng. Theo thời gian, số tiền lãi mà anh T và chị H “góp” cho chủ nợ đã cao hơn nhiều lần so với số tiền ban đầu mà họ đã vay, nhưng họ vẫn phải nợ tiền vốn “gốc”. Cho đến lúc hết khả năng “góp”, anh T và chị H đành phải hứa hẹn, xin khất nợ nhưng bị chủ nợ từ chối, to tiếng chửi rủa. Năn nỉ không được, anh T và chị H cự cãi với chủ nợ, dẫn đến ấu đả nhau.

Khác với trường hợp của anh T và chị H, vợ chồng anh N (TP.Bến Tre) là người có nghề nghiệp ổn định, thu nhập kha khá. Thấy một số người quen “cá độ” bóng đá, đánh số đề nên anh cũng tham gia cho “vui”, và có khi thắng, cũng có khi thua. Lâu ngày, anh N đã sa vào con đường “đỏ đen”, phải đi vay “bạc góp” và trở thành con nợ. Hậu quả, tài sản trong nhà anh lần lượt ra đi.

 

Ra tòa, mới thấy bị thiệt

Gần đây, một TAND huyện đã đưa ra xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, giữa nguyên đơn chị N với bị đơn chị C. Khai trước tòa, chị N đã hai lần đưa cho chị C tổng số tiền 65 triệu đồng, kèm theo hai tờ giấy nhận nợ của chị C (một tờ ghi 55 triệu đồng và một tờ ghi 10 triệu đồng). Chị C khai, có nhận tiền vay trả góp của chị N theo hình thức: nhận 5 triệu đồng, mỗi ngày góp 200 ngàn đồng, trong thời gian 30 ngày (thành tiền 6 triệu đồng). Do chị C nhận tiền vay trả  góp nhiều dây, không có khả năng trả vốn và lãi, nên chị phải làm giấy nhận nợ 55 triệu đồng, sau đó làm tiếp giấy nhận nợ 10 triệu đồng, tổng cộng là 65 triệu đồng. Tại tòa, chị C không đưa ra được bằng chứng mà mình đã nhận tiền vay và đã trả góp cho chị N. Trong khi đó, nguyên đơn chị N yêu cầu hội đồng xét xử tính lãi số tiền mà C thiếu (theo lãi suất ngân hàng trong từng thời điểm). Cuối cùng, Tòa đã tuyên buộc chị C phải trả cho chị N số tiền nợ gốc là 65 triệu đồng cùng với tiền lãi 8,1 triệu đồng, tổng cộng 73,1 triệu đồng. Bấy giờ, chị C mới nhận ra sự thua thiệt của mình.

Vay tiền trả góp, tiện lợi nhất thời cho những người gặp khó khăn đột xuất, hoặc những người lao động chân tay hay “mua gánh, bán bưng”. Nhưng, về bản chất, những người vay trả góp luôn phải chịu nhiều thua thiệt như những trường hợp đã nêu.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN