Một góc khu Lạc Địa ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Ảnh: Thanh Bạch
Đôi nét nguồn gốc, lịch sử
Khu đất Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, từ thời Pháp thuộc cho đến nay thuộc công hữu, chưa bao giờ là sở hữu của các hộ dân. Hồ sơ để lại thời Pháp thuộc thì chủ sở hữu khu đất Lạc Địa là của làng Phú Lễ (thuộc đất công), tổng diện tích 151,33ha. Làng Phú Lễ cho người dân vào đào đìa để bắt cá vào mùa nước rọt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng, sau năm 1954, Chính quyền Cách mạng giao cho các hộ dân có khẩu đìa trước đây tiếp tục khai thác củi và cá. Đến thời kỳ chống Mỹ, Lạc Địa là căn cứ cách mạng của các xã: An Bình Tây, Mỹ Nhơn, Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy. Thời kỳ này, các hộ có khẩu đìa ngoài căn cứ khai thác cá, hàng năm nộp tiền thuê đất cho chính quyền chế độ cũ, không có trường hợp nào được cấp quyền sở hữu.
Từ sau 1975 đến nay, khu đất Lạc Địa thuộc quyền quản lý của Nhà nước cho dân thuê để sản xuất và nộp tiền thuê cho chính quyền địa phương. Năm 1993, xã làm đê bao bảo vệ vùng nước ngọt khu Lạc Địa nên diện tích giảm còn 122,9ha, phần đất ruộng nằm ngoài đê bao tiếp tục khoán cho các hộ dân sử dụng và nộp tiền thuê. Đến năm 2015, để xác lập pháp lý, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1516/QĐ-UBND về việc giao phần đất khu vực Lạc Địa cho UBND xã Phú Lễ quản lý với diện tích 125,4ha, trong đó có 121,16ha đất thuộc khu Lạc Địa.
Chủ trương xây dựng hồ chứa nước ngọt
Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Ba Tri, khu Lạc Địa là đất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, địa bàn tỉnh liên tiếp bị xâm nhập mặn, nhất là vào năm 2020, độ mặn cao và xâm nhập sâu, kéo dài làm cho nguồn nước ngọt thiếu trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Trước tình hình trên, theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Ba Tri, tỉnh chủ trương khai thác khu Lạc Địa cho phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn hiện nay là: Xây dựng khu dân cư tập trung gắn với làng nghề truyền thống của địa phương với diện tích 10ha; khu di tích Lịch sử cách mạng Bưng Lạc Địa với diện tích 13,5 ha và Hồ chứa nước ngọt với diện tích 97,66ha, gồm các hạng mục: Hồ trữ nước ngọt 56,7ha, chứa khoảng 2,3 triệu mét khối; đường giao thông chiếm diện tích 10,56ha; cây xanh kết hợp với phát triển du lịch sinh thái với diện tích 30,40ha. Kinh phí do Trung ương đầu tư với tổng mức là 352 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2021 - 2025.
Dự kiến khi công trình hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của địa phương, cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, sẽ phát triển các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong khu Lạc Địa và các vùng lân cận. Cung cấp đủ nước trong 5 tháng cho 59,5 ngàn hộ dân trong huyện Ba Tri, hỗ trợ nước uống cho 150 ngàn gia súc, 340 cơ sở kinh tế tiểu thủ công nghiệp, 255 phòng, trạm xá, trường học. Đặc biệt là bảo tồn di tích cách mạng Bưng Lạc Địa còn là nơi tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho thế hệ trẻ.
Vì lợi ích chung của cộng đồng
Thời gian qua, khi triển khai chủ trương xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa được cán bộ, đảng viên và đa số người dân đều đồng thuận, tuy nhiên có một số hộ dân vì lợi ích cá nhân, trong đó có cả đảng viên muốn được cấp quyền sở hữu, ngăn cản việc xây dựng hồ chứa nước ngọt khu Lạc Địa theo chủ trương của tỉnh. Theo quy định Khoản 2 Điều 199 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013, quy định người đang quản lý, sử dụng đất Nhà nước thuộc quỹ đất công của xã, phường, thị trấn thì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, việc yêu cầu cấp giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với một số hộ đang thuê đất trong khu Lạc Địa là không có cơ sở. Đây là quỹ đất của UBND xã Phú Lễ cho các hộ dân thuê từ trước đến nay. Chủ trương xây dựng hồ chứa nước ngọt, xây dựng, bảo tồn khu di tích và khu dân cư vì lợi ích cộng đồng là rất phù hợp với quy định của Nhà nước, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Ba Tri nói chung, xã Phú Lễ nói riêng.
Hiện còn 12 hộ dân chưa đồng tình, khiếu kiện kéo dài, dù lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần đối thoại. MTTQ và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng các hộ trên cố tình không chấp hành chủ trương. Đáng quan tâm là có một vài đảng viên dù không có quyền lợi, nghĩa vụ trong khu Lạc Địa nhưng đã có hành vi lôi kéo, kích xúi một số người dân ký tên vào đơn tập thể kiến nghị nhằm gây cản trở việc thực hiện dự án, tổ chức khiếu kiện đông người. Ngày 10-9-2020, các đối tượng trên đến trụ sở tiếp dân huyện nhưng khi được mời vào đối thoại thì không hợp tác, mà trái lại có hành vi lớn tiếng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, căng khẩu hiệu đi vòng quanh đường phố gây phản cảm và bức xúc trong dư luận người dân. Đó là hành động sai trái, cần phê phán, lên án mạnh mẽ và phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Tập trung tuyên truyền, vận động
Để công trình sớm được triển khai thực hiện, các cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể cần tập trung tuyên truyền thường xuyên và liên lục, tích cực vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ nguồn gốc, lịch sử khu đất, thống nhất cao về ý nghĩa, mục đích cao đẹp và yêu cầu cần thiết phải xây dựng hồ chứa nước ngọt khu Lạc Địa.
Từng cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Mỗi người dân hãy luôn bình tĩnh, chủ động tìm hiểu, kịp thời nắm đầy đủ thông tin qua báo, đài và các ngành chức năng, vận động gia đình, người thân tự giác chấp hành tốt chủ trương. Kiên quyết không để bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích xúi đi khiếu kiện, đồng thời mạnh dạn tố giác, đấu tranh ngăn chặn những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật như tụ tập khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự nơi công cộng, trụ sở cơ quan, xúc phạm uy tín, danh dự người khác...
Nối tiếp truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Lễ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên trong giai đoạn xây dựng và phát triển hôm nay. Từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân không ngừng ra sức phấn đấu lao động sản xuất, gương mẫu đi đầu trong chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, có những đóng góp thiết thực vì mục tiêu chung. Tất cả đồng lòng, chung sức quyết tâm đưa quê hương ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử văn hóa của Phú Lễ anh hùng.
P.V (Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)