Ngày 31-10-2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã ban hành Quyết định số 1119/QĐ-TCTHADS, ban hành quy trình về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Báo Đồng Khởi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung chính liên quan đến vấn đề này.
Về đối tượng áp dụng: Quy trình này được áp dụng đối với
công chức là người lao động Cục, Chi cục THADS các địa phương.
Về nguyên tắc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo
chí: Phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nghiêm túc, trách nhiệm, chuẩn xác, chuẩn
mực trong hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Phối hợp chặt
chẽ với các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông, xây dựng hình ảnh
đẹp về cơ quan và người công chức THADS. Chuyên nghiệp hóa công tác phát ngôn
và cung cấp thông tin cho báo chí, nâng cao kỹ năng, tính nhanh nhạy trong phản
ứng, phản hồi ý kiến trước thông tin báo chí và vấn đề được dư luận xã hội quan
tâm.
Theo quy định, trong vòng 10 ngày đầu của mỗi quý, Cục
trưởng Cục THADS tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ về công tác
THADS, hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời,
báo cáo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho UBND cấp
tỉnh nơi tổ chức họp báo.
Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải là
Cục trưởng Cục THADS (người được phát ngôn). Trong trường hợp cần thiết, Cục
trưởng Cục THADS ủy quyền cho người khác có trách nhiệm thuộc Cục hoặc Chi cục
trưởng Chi cục trực thuộc (người được ủy quyền phát ngôn). Việc ủy quyền phát
ngôn được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn
nhất định. Người được ủy quyền phát ngôn không được ủy quyền tiếp cho người
khác thực hiện công việc này.
Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, người phát
ngôn có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí (định kỳ và đột xuất)
và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung này. Việc cung cấp thông tin
cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử, họp báo trả lời
phỏng vấn và các hình thức khác.
Theo quy định, người phát ngôn có quyền từ chối cung cấp
thông tin cho báo chí trong các trường hợp: thông tin thuộc danh mục Bí mật nhà
nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư và bí mật
khác theo quy định của pháp luật; thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc
chưa xét xử; thông tin về vụ việc trong quá trình thanh tra chưa có kết luận
thanh tra, những vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc
những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá
trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền theo quy
định của pháp luật chưa được phép công bố…
Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được
yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, yêu cầu trả lời vấn đề mà công dân
yêu cầu nêu ra trên báo chí, Cục trưởng Cục THADS có trách nhiệm rà soát lại nội
dung được nêu và trả lời trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận
được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của
công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, Cục trưởng Cục THADS có trách nhiệm
thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.