Thời cắp sách được xem là quãng thời gian đẹp nhất đời người, với bao kỷ niệm về trường lớp, thầy cô, bạn bè. Khi thành đạt, dù cuộc sống bộn bề với bao công việc, nhiều người vẫn nhớ về mái trường xưa, tri ân thầy cô giáo cũ.
Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) được xem như ngày Tết của thầy cô giáo. Vào những ngày này, không chỉ có thế hệ học trò còn đang cắp sách đến trường mà những người thành đạt cũng miên man nhiều cảm xúc. Kí ức về một thời áo trắng, bóng dáng thân thương của thầy cô giáo cũ vẫn còn in đậm trong trí nhớ của nhiều thế hệ học trò. Là một trong số học sinh thành đạt của Trường THCS Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) về thăm trường cũ, gặp lại thầy cô giáo cũ trong một buổi họp mặt vào những ngày đầu tháng 11-2011 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng - Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu 4 đã rất xúc động. Dù đã có 36 năm hoạt động đời binh nghiệp, nhưng trái tim ông vẫn không ngăn nổi niềm cảm xúc khi gặp lại thầy cô giáo năm nào của mình năm xưa. Ông bày tỏ: Dù đi đâu, làm gì, dù thời gian có làm phai màu tất cả, nhưng hình ảnh về thầy cô giáo cũ vẫn luôn còn mãi còn tâm trí tôi. Từng thầy, từng cô - những người đã từng dạy dỗ cho tôi, tôi đều nhớ rõ. Đó là những người mà tôi luôn tôn thờ, kính trọng. Tôi luôn nhắc mình phải cố gắng đền đáp lại công ơn của thầy cô bằng những hành động cụ thể, đó là hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chức trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao, sống có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Hằng năm, dù bận việc thế nào đi nữa, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng cũng cố gắng sắp xếp về thăm trường cũ. Không những thế, ông còn tham gia ủng hộ tiền, học phẩm cho Hội Cựu học sinh của trường, Hội Khuyến học của xã để giúp đỡ, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.
Với chị Đinh Phương Thảo - Việt kiều Mỹ (quê ở thị trấn Mỏ Cày - Mỏ Cày Nam), hành trang xuất ngoại không chỉ có kỷ niệm với quê nhà, mà còn cả ký ức về thầy cô giáo cũ. Chị tâm sự: Dù đã rời khỏi quê hương gần 15 năm, nhưng mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam, lòng tôi lại dâng lên nhiều cảm xúc và nhớ da diết về thời cắp sách của mình, nhớ về trường cũ, nhớ thầy cô giáo năm nào và nhớ bạn bè xưa. Những kỷ niệm của tuổi học trò ngày đó mãi mãi không phai mờ trong tôi. Mỗi năm, vào ngày này, tôi đều gọi điện thoại thăm hỏi và chúc mừng thầy cô giáo. Và lần nào về nước, tôi cũng tranh thủ thời gian đến thăm một số thầy cô cũ của mình.
Nhắc về thời cắp sách, bác sĩ Nguyễn Thị Ngoan - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm. Chị kể: Thời học sinh, tôi phải đạp xe một quãng đường rất xa để đến trường. Dù đường đi rất chông chênh, lầy lội nhưng tôi và các bạn chẳng bao giờ nản lòng, mà ngược lại, rất ham thích được đến trường. Thầy cô lúc nào cũng động viên chúng tôi phải ngoan và cố gắng học, còn chúng tôi xem thầy cô giáo như là cha mẹ của mình. Tôi còn nhớ, những lần tôi đi học muộn vì trời mưa, đường xa vất vả, cô giáo chẳng những không trách phạt mà còn rất lo lắng cho sức khỏe của tôi. Đó là những tình cảm yêu thương mà tôi không thể nào quên.
Có thể nói, thầy cô giáo như “những con đò đưa khách sang sông” và những thế hệ học trò cứ đến rồi đi. Các thầy cô là người ở lại, vẫn miệt mài, cần mẫn với nghề dạy học, đến khi sức yếu, tuổi già thì tham gia công tác khuyến học, khuyến tài vì các thế hệ học sinh. Xin được kết bài bằng một đoạn thơ của thầy Nguyễn Tấn Phước (cựu giáo viên Trường THCS Mỹ Thạnh - Giồng Trôm) như một lời nhắn nhủ: “... Thầy chỉ ước dù chân trời góc biển/ Hay trở về mảnh vườn ruộng quê hương/ Em hãy sống và làm điều tốt đẹp/ Không thành công, em cũng phải thành người/ Để một mai trái đất tròn gặp lại/ Khi biết em sống có ích cho đời/ Thầy tự hào và vui lắm em ơi...”.