Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng và phát triển trí tuệ

08/06/2016 - 05:47

Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ các loại vi chất để phát triển toàn diện. Ảnh: H.Vũ

Thiếu vi chất dinh dưỡng - căn nguyên của bệnh tật

Tuy cơ thể con người chỉ cần một lượng rất nhỏ các loại vi chất dinh dưỡng bao gồm các nhóm vitamin A, B, C, D, E… và các nhóm nguyên tố khoáng như: can-xi, phốt-pho, sắt, kẽm, se-len, i-ốt, đồng… nhưng nó lại đóng một vai trò hết sức quan trọng. 

Vi chất dinh dưỡng tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa và là thành phần cấu tạo nên cơ thể. Thiếu những chất này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Một số bệnh thường gặp khi cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng như: thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt; còi xương do thiếu can-xi và vitamin D; bướu cổ do thiếu i-ốt; suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm; thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt…

Các nhà dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thức ăn và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới  bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm). Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non, vì trong sữa non có hàm lượng vitamin A cao giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được các bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, do sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Nhu cầu khuyến nghị vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn 1 người trong 1 ngày của Viện Dinh dưỡng công bố năm 2012 về một số vitamin thiết yếu và khoáng chất đối với trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi: đối với vitamin A cần 375 - 400mcg/ngày, canxi cần 300 - 500mg/ngày, kẽm cần 2,8 - 4,1mg/ngày.

Tổ chức triển khai bổ sung vi chất dinh dưỡng

Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó có phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, với mục tiêu nâng cao thể chất, tầm vóc, sức khỏe cho người Việt. Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng như: Chương trình phòng, chống thiếu vitamin A (bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, 1 năm uống 2 lần, cho bà mẹ sau sinh uống 1 liều vitamin A liều cao); Chương trình phòng, chống rối loạn do thiếu i-ốt (khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối i-ốt và sản phẩm có bổ sung i-ốt trong nước mắm, nước tương, bột nêm) vào các bữa ăn hằng ngày; Chương trình phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng đối với phụ nữ có thai uống bổ sung viên sắt acid folic từ khi bắt đầu có thai cho tới sau sinh 1 tháng.

Vitamin A là một trong số các loại vi chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể của trẻ em. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thiếu vitamin A gây khô mắt, nếu nặng có thể gây mù mắt, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở trẻ em tiền học đường. Bổ sung vitamin A liều cao làm tăng tỷ lệ sống ở trẻ nhỏ tới 20 - 30% do làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp.

Mục tiêu đề ra là 98% trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao trong hai đợt chiến dịch; phòng, chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em tại 100% xã, phường, thị trấn; trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao và bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được cho uống vitamin A liều cao dự phòng; trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo chiều cao để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể thiếu cân và thể thấp còi.

 Để bảo vệ cho trẻ trước những nguy cơ mắc bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, gia đình hãy đưa con em mình đến các điểm uống bổ sung vitamin A tại địa phương theo thông báo và tuân thủ đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Bác sĩ Ái Đoan (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN